Nhờ nỗ lực đẩy mạnh cải cách, trong thập kỷ tới, Ngân hàng Thế giới (WB) có thể cấp thêm các khoản tín dụng có tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD. Đây sẽ là một nguồn lực đáng kể, đánh dấu mức tăng 20% trong mức cho vay bền vững của Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD). Thể chế này là nhánh của WB chuyên cung cấp các khoản vay cho những nước có thu nhập trung bình.
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu ra trước thềm kỳ họp mùa xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB, dự kiến trong tuần tới.
Tháng 3 vừa qua, WB đã trình một kế hoạch cải tổ sâu rộng để đưa ra thảo luận tại Ủy ban Phát triển vào ngày 12-4 tới trong khuôn khổ kỳ họp thường niên mùa xuân với IMF. Theo kế hoạch, các quan chức ngân hàng Trung ương, bộ trưởng tài chính, chuyên gia từ hơn 180 quốc gia thành viên sẽ tham dự kỳ họp này tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ.
Một trong những chủ đề chính của kỳ họp sẽ là sự phát triển của WB trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi các thể chế cho vay đa quốc gia cải tổ và đáp ứng những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của nhóm WB.
Đảng FDP (Đức) không muốn đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân
Theo kế hoạch, từ tuần này, nước Đức sẽ chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (FDP) - một trong 3 đảng của liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức cho rằng, điều này là quá sớm và muốn duy trì các nhà máy ở chế độ “chờ” một thời gian để có thể nhanh chóng kích hoạt lại trong trường hợp cần thiết.
Báo Thế giới chủ nhật (WaS) cho biết, trong một tài liệu về chính sách năng lượng của đảng, FDP kêu gọi nên để ngỏ khả năng tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này. Nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội liên bang ủng hộ việc duy trì các lò phản ứng ở trạng thái sẵn sàng vận hành trong ít nhất 1 năm nữa. Tài liệu của FDP nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng lệnh đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than hiện có ở Đức liên quan đến khí hậu là sai lầm”.
Cũng theo tài liệu này, Bộ Kinh tế liên bang Đức nhận định, tuy năng lượng hạt nhân không còn cần thiết để bảo đảm an ninh nguồn cung nhưng các tình huống khẩn cấp là khó lường. Do vậy, các nhà máy điện hạt nhân sẽ vẫn có khả năng được kích hoạt trở lại cho đến khi khí đốt tự nhiên của Nga được thay thế hoàn toàn bằng các nguồn khác, có thể là vào mùa xuân năm 2024. Tuy nhiên, quan điểm này của FDP đã vấp phải sự phản đối của đảng Xanh.
Theo kế hoạch, Đức sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân vào giữa tháng 4 này, theo đó 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này là Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland sẽ được đưa ra khỏi lưới điện muộn nhất là vào ngày 15-4./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin