Một loạt quốc gia OPEC+ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ

07:54, 04/04/2023

Ngày 2-4, một loạt các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác, thường được gọi là OPEC+, ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500 nghìn thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 cho tới cuối năm 2023. Tuyên bố trên đánh dấu lần thứ 2 Nga tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, với lần đầu tiên được Phó Thủ tướng Novak công bố hồi tháng 2-2023.

Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ra tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500 nghìn thùng/ngày kể từ tháng 5 tới cho đến hết năm 2023. Cơ quan chức năng này khẳng định quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô này được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, và số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp thứ 33 ngày 22-10 năm ngoái của OPEC+.

Cùng ngày, Chính phủ các nước Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144 nghìn thùng/ngày, 128 nghìn thùng/ngày, 211 nghìn thùng/ngày, 40 nghìn thùng/ngày và 48 nghìn thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Ô nhiễm bụi mịn khiến hàng nghìn người ở Chiang Mai (Thái Lan) phải nhập viện

Gần 13 nghìn người đã phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và dị ứng do ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại tỉnh Chiang Mai, Thái Lan kể từ 1-1 năm nay.

Tỉnh Chiang Mai phải đối diện với tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 nghiêm trọng trong vài tháng qua do cháy rừng và các hoạt động đốt chất thải nông nghiệp cả ở Thái Lan và các nước láng giềng. Chiang Mai cũng đứng đầu bảng xếp hạng ô nhiễm không khí toàn cầu trong tuần qua. Giáo sư - Bác sĩ Bannakit Lojanapiwat, Trưởng khoa Y của Đại học Chiang Mai cho biết con số thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo vì nhiều bệnh nhân không thể nhập viện do quá đông. Theo ông Bannakit, người dân Chiangmai được yêu cầu theo dõi chặt chẽ chất lượng không khí nơi họ sinh sống và làm việc thông qua các ứng dụng di động như Air4Thai hay AirVisual và tránh ở ngoài trời quá lâu nếu mức bụi mịn PM2.5 vượt quá ngưỡng 50 microgam trên một mét khối không khí. Tiến sĩ Bannakit cũng kêu gọi các gia đình theo dõi sức khỏe của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có vấn đề sức khỏe mãn tính.

Hơn 90 người di cư được giải cứu ngoài khơi Libya

Tổ chức nhân đạo Libya thông báo đã giải cứu 92 người di cư, trong đó có khoảng 40 trẻ vị thành niên, ngoài khơi bờ biển nước này. Những người di cư được giải cứu khi đang tìm cách vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu trên một chiếc thuyền phao với số lượng người quá đông và đã bị chìm.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, ít nhất 12 nghìn người di cư vượt biển Địa Trung Hải đã đến Italia kể từ đầu năm. Libya và Tunisia thường là điểm khởi hành chính của người di cư đến châu Âu. Tháng 3 vừa qua, 30 người đã chết sau khi một chiếc thuyền di cư từ Libya đã bị lật úp do điều kiện thời tiết xấu. Cũng vào cuối tháng 3, 29 người di cư châu Phi đã thiệt mạng ngoài khơi Tunisia khi cố gắng vượt biển  Địa Trung Hải để đến Italia./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com