Kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi của Chính phủ Israel

08:00, 12/04/2023

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chính thức tuyên bố hoãn thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi hơn 10 tuần qua. Theo ông Netanyahu, việc hoãn kế hoạch nêu trên là cần thiết để tiếp tục đối thoại rộng rãi trong nhân dân và tránh nguy cơ xảy ra xung đột tại quốc gia này, trong bối cảnh Chính phủ Israel phải chịu áp lực mạnh mẽ từ các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu điều hành phiên họp chính phủ hằng tuần. (Ảnh: The Business Post)
Thủ tướng Benjamin Netanyahu điều hành phiên họp chính phủ hằng tuần. (Ảnh: The Business Post)

Những động thái mới nhất của Chính phủ Israel được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình với quy mô và tính chất nghiêm trọng chưa từng có nổ ra trên khắp Israel sau khi Thủ tướng Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (Y.Ga-lăng).

Bộ trưởng Gallant là thành viên cấp cao trong đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu và là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ phản đối kế hoạch cải cách tư pháp. Lo ngại tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, Tổng thống Isaac Herzog đã kêu gọi chính phủ và các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền tại quốc hội ngừng ngay lập tức tiến trình cải cách tư pháp, với lý do nền an ninh, kinh tế và xã hội của đất nước đang bị đe dọa.

Trước đó, Tổng thống Herzog đã trình bày bản dự thảo có tên “Khuôn khổ Nhân dân” thay cho kế hoạch cải cách tư pháp, song bị Thủ tướng Netanyahu bác bỏ. Tổng thống Isaac Herzog cho biết, sẽ tiếp tục chủ trì các cuộc đối thoại và ông kêu gọi nhượng bộ giữa các bên nhằm giảm căng thẳng.

Kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ Israel vấp phải phản ứng gay gắt của các Tổng chưởng lý, Chánh án Tòa án Tối cao, giới thẩm phán và châm ngòi cho làn sóng biểu tình trên cả nước.

Người dân Israel cho rằng, kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao và đe dọa vai trò độc lập của ngành tư pháp. Ngay sau khi nhậm chức cách đây vài tháng, Thủ tướng Netanyahu đã công bố giai đoạn đầu tiên của kế hoạch cải cách tư pháp, bao gồm thông qua sửa đổi một số nội dung luật. Trong dự luật, Chính phủ Israel sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán.

Dự luật không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61/120 phiếu. Thủ tướng Netanyahu và những người ủng hộ nói rằng, những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán lạm quyền khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị.

Trong khi đó, kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận do Viện Dân chủ Israel và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, đa số người Israel không ủng hộ các nội dung cải cách tư pháp được chính phủ đề xuất.

Phản đối các kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ, hàng chục nghìn người Israel đã xuống đường biểu tình trên khắp đất nước trong nhiều tuần liên tiếp. Những người biểu tình cản trở các tuyến giao thông huyết mạch ở các thành phố lớn, ngăn cản tàu điện hoạt động và tụ tập trước nơi ở của các chính trị gia đề xuất cải cách. Do tình trạng biểu tình và đình công, một số sự kiện chính trị, xã hội dự kiến diễn ra tại các thành phố lớn đã bị hoãn.

Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế Moody’s cảnh báo, kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi tại Israel nếu được thực hiện có thể khiến xếp hạng triển vọng tín dụng của nước này bị đánh tụt từ “tích cực” xuống mức “ổn định”.

Thông báo của Moody’s nêu rõ, kế hoạch cải cách tư pháp có thể làm suy yếu đáng kể sức mạnh của hệ thống tư pháp và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng, gây ra những nguy cơ dài hạn cho triển vọng kinh tế Israel, đặc biệt là luồng vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghệ vốn rất quan trọng. Cảnh báo của Moody’s được cho là bất thường, bởi tổ chức này hiếm khi ra thông báo đánh giá uy tín tín dụng của một quốc gia ngoài chu kỳ đã định trước. Đến nay, xếp hạng của Moody’s với nền kinh tế Israel vẫn chưa thay đổi do chưa đến kỳ công bố.

Kế hoạch cải cách tư pháp do chính phủ liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất gây phản ứng từ nhiều giới, gồm cả chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư, với lo ngại những cải cách này sẽ tác động tiêu cực đến chính sách quản lý vĩ mô, làm suy yếu hệ thống giám sát độc lập và khiến môi trường đầu tư bất ổn. Mặc dù tiến trình thương lượng đang diễn ra, song người đứng đầu Chính phủ Israel đối mặt thách thức không nhỏ khi kế hoạch cải cách tư pháp của ông vấp phải sự phản đối của nhiều người dân và có thể gây ảnh hưởng tới lĩnh vực kinh tế của nước này.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com