Căng thẳng gia tăng ở EU do giá ngũ cốc của Ukraine quá rẻ

07:51, 19/04/2023

Ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), khiến nông dân biểu tình, chính phủ một số nước ban hành lệnh cấm, gây căng thẳng tại liên minh này.

Theo hãng tin AP, nông dân ở thành phố Ruse của Bulgaria đã chặn các cửa khẩu biên giới chính với Romania vào tuần trước. Họ dùng máy kéo để ngăn các xe tải đi qua cây cầu bắc qua sông Danube. Nông dân ở Ba Lan cũng biểu tình vì vấn đề này. Họ nói giá ngũ cốc giảm do một lượng lớn nông sản Ukraine đổ vào mà lẽ ra lượng sản phẩm này phải tới châu Phi và Trung Đông. Tại Romania, khoảng 100 nông dân đã tập trung ở Thủ đô Bucharest, hàng trăm người khác đã lái máy kéo biểu tình khắp nước này.

Các cuộc biểu tình nói trên đang gây áp lực ngày càng tăng cho lãnh đạo các quốc gia này và EU. Một số nông dân thậm chí còn đề nghị ngừng nhập khẩu nông sản Ukraine.

Khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, các cảng Biển Đen của Ukraine bị ảnh hưởng, khiến nước này không thể xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm khác bằng đường biển. Do đó, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đã bị mắc kẹt ở Ukraine vào năm 2022. Sau khi có thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, ngũ cốc Ukraine mới được chuyển ra khỏi nước này, nhưng lại gây ra tình trạng trên ở một số quốc gia.

Liên hợp quốc đề cao kinh nghiệm của người bản địa trong ứng phó khủng hoảng khí hậu

Ngày 17-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng thế giới có thể học hỏi nhiều từ kinh nghiệm của các cộng đồng người bản địa trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Phát biểu khai mạc khóa họp lần thứ 22 Diễn đàn Thường trực LHQ về các vấn đề bản địa (UNPFII), ông Guterres cho biết, trải qua hàng nghìn năm, các cộng đồng người bản địa trên thế giới như cộng đồng bản địa vùng Amazon ở châu Mỹ, vùng Sahel ở châu Phi và khu vực dãy Himalaya ở châu Á đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý đất đai bền vững và thích ứng với khí hậu. Theo ông, người bản địa có nhiều giải pháp để ứng phó với khủng hoảng khí hậu và được coi là “những người bảo vệ đa dạng sinh học của thế giới”, do đó thế giới có nhiều điều để học hỏi từ sự hiểu biết và kinh nghiệm của họ.

Tại cuộc họp, Tổng thư ký Guterres cũng nhấn mạnh những thách thức mà người bản địa đang đối mặt. Ông cho biết người bản địa chiếm khoảng 5% dân số thế giới nhưng thuộc nhóm 15% dân số nghèo nhất thế giới. Mặc dù không gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng người bản địa lại sinh sống ở những nơi đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thường xuyên đối mặt với những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ông Guterres cho biết LHQ cam kết tiếp tục thúc đẩy quyền của người bản địa và tăng cường tiếng nói của họ trong các chính sách và chương trình hành động của mình. Ngoài ra, ông còn lưu ý sự cần thiết phải đẩy nhanh những nỗ lực để mang lại công lý trong các vấn đề liên quan đến khí hậu, mở rộng quy mô tài chính cũng như năng lực thích ứng và khả năng ứng phó với những tổn thất, thiệt hại.    

Khóa họp UNPFII lần thứ 22 sẽ kéo dài đến ngày 28-4. Chủ đề của năm nay là “Người bản địa, sức khỏe con người, sức khỏe hành tinh và biến đổi khí hậu: cách tiếp cận dựa trên các quyền”./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com