Theo truyền thông khu vực và quốc tế, giao tranh giữa quân đội Sudan và phe vũ trang lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở trung tâm Thủ đô Khartoum đã gia tăng cường độ sau khi các bên xung đột đồng ý mở các tuyến đường nhân đạo an toàn trong vài giờ ngày 16-4.
Chiến sự leo thang ở trung tâm thủ đô của Sudan, với hầu hết các cuộc giao tranh diễn ra xung quanh tòa nhà chỉ huy quân đội.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước Đông Phi ngày 16-4 đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc giao tranh đang diễn ra ở Sudan. Văn phòng Tổng thống Kenya cho biết Cơ quan Phát triển Liên chính phủ (IGAD) đã tổ chức một cuộc họp khẩn bằng hình thức trực tuyến, kêu gọi chấm dứt ngay hành động thù địch giữa các bên trong cuộc xung đột ở Sudan.
Theo thống kê của giới chức y tế Sudan, ít nhất 56 dân thường đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc giao tranh ở nước này kể từ ngày 15-4.
Chính phủ Đức bảo vệ quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Bộ Môi trường Đức ngày 16-4 đã bác bỏ yêu cầu của bang Bavaria về việc cho phép tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân, nêu rõ các cơ sở này thuộc thẩm quyền của chính phủ liên bang.
Đức đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vào ngày 15-4, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập niên qua để thúc đẩy kế hoạch chuyển sang sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035.
Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31-12-2022, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy này thêm 3 tháng, đến ngày 15-4. Ba nhà máy này đã đáp ứng 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức trong 3 tháng qua.
Kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, theo đó giảm mạnh tỷ trọng năng lượng hạt nhân cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tiến tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin