Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

07:41, 17/04/2023

MarketWatch phân tích số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1.425.782.975 người tính đến ngày 14-4-2023, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc sẽ giảm xuống 1.425.748.032 người. Trung Quốc giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới ít nhất kể từ năm 1950, khi LHQ bắt đầu công bố dữ liệu dân số.

Dự báo trên được đưa ra dựa trên số liệu công bố hồi tháng 7-2022 trong báo cáo “Triển vọng dân số thế giới” của LHQ và một phương trình tuyến tính đơn giản. LHQ đã thu thập dữ liệu về dân số của hơn 200 quốc gia và khu vực có ít nhất 1.000 người trong năm trước. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào cách một quốc gia đánh giá dân số của chính mình. Dự báo dân số của LHQ sau đó được thực hiện cho ngày 1-1 và 1-7 hàng năm.

MarketWatch đã xem xét tốc độ thay đổi mỗi ngày để xác định thời điểm chính xác mà Ấn Độ có dân số lớn hơn Trung Quốc. Đó là cách tiếp cận thô sơ, nhưng được chấp nhận rộng rãi. Dữ liệu của LHQ cho thấy sự khác biệt về dân số từ ngày 1-1 đến 1-7, theo đó, Ấn Độ tăng thêm trung bình khoảng 36.470 người mỗi ngày, trong khi dân số Trung Quốc giảm, mặc dù chậm, khoảng 983 người mỗi ngày. Phân tích dữ liệu theo giờ của ngày 14-4 khẳng định thời điểm chênh lệch dân số giữa hai nước xảy ra vào đầu giờ trong ngày.

Tổng thống Pháp ký ban hành Luật Cải cách hưu trí mới

Công báo sáng 15-4 của Pháp cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức ký ban hành Dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi và tạo ra các làn sóng phản đối mạnh mẽ trong các tầng lớp xã hội Pháp kéo dài từ hơn 3 tháng qua. 

Trong văn bản thông qua cuối cùng, Dự luật cải cách hưu trí vẫn giữ được những nội dung quan trọng nhất là nâng độ tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi từ năm 2030, kéo dài thời gian làm việc lên 43 năm (tương đương với 172 quý), nâng lương hưu tối thiểu lên 1.200 euro/tháng hoặc tương đương 85% mức lương tối thiểu (SMIC) hiện hành, chấm dứt các chế độ hưu trí đặc biệt đối với một số ngành nghề nặng nhọc như đường sắt, ngân hàng, điện, năng lượng…

Việc Tổng thống Pháp Macron nhanh chóng ký ban hành Luật Cải cách hưu trí mới đã gây ra những phản ứng trái chiều mạnh mẽ. Lãnh đạo các đảng đối lập cho rằng sự vội vàng của ông Macron đi ngược lại nền dân chủ Pháp và là hành động “đánh cắp” cuộc sống của người dân lao động, đẩy nước Pháp lún sâu vào chia rẽ. Các nghiệp đoàn lao động lớn của Pháp tuyên bố từ chối lời mời đối thoại từ Tổng thống Macron vào ngày 18-4 tới, tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh và phát động một cơn “sóng thần” đình công và tuần hành phản đối với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tới. Trong khi đó, hàng loạt cuộc biểu tình tự phát đã đồng loạt diễn ra trên khắp nước Pháp để phản đối việc ban hành Luật Cải cách hưu trí mới./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com