Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du tới nước láng giềng Canada trong hai ngày 23 và 24/3, với kế hoạch sẽ hội đàm với Thủ tướng Justin Trudeau về một loạt các vấn đề gai góc, bao gồm an ninh-quốc phòng, phát triển kinh tế, di cư và một vài điểm nóng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại một cuộc gặp ngày 10/1/2023. Ảnh: Reuters |
Đây là cơ hội để hai bên xem xét các vấn đề cấp bách mà cả hai nước đang đối mặt, đồng thời củng cố quan hệ đồng minh.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden tới nước láng giềng kể từ khi ông nhậm chức năm 2021. Mặc dù chuyến đi bị xem là muộn màng, song lại được đánh giá là thời điểm phù hợp để hai bên bàn thảo các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và quốc tế.
Các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương
Hợp tác quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác thương mại, năng lượng sạch và phối hợp nhằm ngăn chặn vấn đề người nhập cư là những lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Canada tập trung thảo luận.
Trong khi đó, cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến vấn đề phòng thủ khu vực Bắc Mỹ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội đàm. Canada từng cam kết chi 40 tỷ CAD trong 20 năm tới để hiện đại hóa Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), trong đó có việc tiếp nhận chuyển giao từ Mỹ hệ thống radar vượt tuyến và mua sắm các máy bay chiến đấu F-35.
Hệ thống radar vượt tuyến sẽ giúp mở rộng khả năng giám sát của NORAD xa hơn về phía bắc và có thể phát hiện các mối đe dọa mới của nước ngoài ở Bắc cực.
Trong khi đó, hợp tác giữa Mỹ và Canada nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư cũng là vấn đề hai bên đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hai quốc gia Bắc Mỹ đang phải chịu áp lực giải quyết vấn đề nhập cư trái phép ngày càng tăng.
Dòng người xin tị nạn từ Mỹ vào Canada đã tăng đột biến, tới gần 40.000 người vào năm ngoái, nhiều người đi qua cửa khẩu không chính thức như Đường Roxham trên biên giới Quebec-Vermont. Theo số liệu thống kê từ phía Mỹ, số người tìm cách vượt biên trái phép từ Canada vào xứ Cờ hoa cũng tăng gấp đôi trong thời gian qua.
Tình trạng này khiến Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn được đưa vào chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Canada. Thỏa thuận này quy định các cá nhân sẽ được yêu cầu xin tị nạn ở ngay quốc gia đầu tiên mà họ đặt chân tới cho dù là ở Mỹ hay Canada. Theo thỏa thuận, những người xin tị nạn sẽ bị cấm vào Canada tại các điểm biên giới chính thức khi họ đã ở trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, Đường Roxham không phải là điểm biên giới chính thức cho nên không bị điều chỉnh bởi thỏa thuận nêu trên và tỉnh bang Quebec của Canada đã trở thành điểm nóng quá tải tiếp nhận dòng người tị nạn.
Trong vấn đề này, Thủ tướng Trudeau từng cho rằng, cách duy nhất để giải quyết hiệu quả vấn đề Đường Roxham và các điểm giao cắt không chính thức là đàm phán lại Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn. Tuy nhiên, đây được cho là vấn đề không dễ giải quyết bởi Canada và Mỹ có đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới, gần 9.000 km và có nhiều điểm giao cắt không chính thức.
Khơi thông dòng chảy thương mại
Khơi thông dòng chảy thương mại tự do giữa Canada và Mỹ là vấn đề quan trọng đối với cả hai nước. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Canada lâu nay vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, trong đó có việc Washington khấu trừ thêm thuế cho các loại ô-tô điện do các công nhân Mỹ chế tạo, Canada đánh thuế đối với những tập đoàn công nghệ có trụ sở tại nước này, thuế nhập khẩu đánh vào gỗ xẻ mềm, tấm pin năng lượng mặt trời...
Cuối năm 2021, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chỉ thị giới chức kinh tế có lập trường cứng rắn hơn về các vấn đề thương mại trong bối cảnh tranh chấp với Mỹ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, những bất đồng này đã bị lu mờ trước những thách thức lớn trên toàn cầu mà hai nước đang phải đối mặt. Bởi thế, Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) được cho là một "trụ cột cơ bản" trong nỗ lực của Washington và Ottawa thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung.
Canada mong muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực như xe điện, ô-tô, khoáng sản... Canada hiện phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ thương mại với Mỹ. Mối quan hệ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, trong đó có cuộc xung đột Ukraine.
Số liệu thống kê cho thấy, giá trị trao đổi thương mại giữa Canada và Mỹ về hàng hóa và dịch vụ năm 2021 đạt 1.000 tỷ CAD (gần 770 triệu USD), đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Canada. Các công ty Canada hoạt động tại Mỹ đang trực tiếp tuyển dụng 634.000 người Mỹ.
Thêm vào đó, thúc đẩy thương mại khu vực Bắc Mỹ giúp các nước trong khu vực giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là linh kiện bán dẫn từ các quốc gia châu Á.
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, sản xuất công nghiệp tại Mỹ, Canada và Mexico đã bị đình trệ nghiêm trọng do chuỗi cung ứng linh kiện điện tử bị gián đoạn, đặc biệt từ các quốc gia châu Á, gây tổn hại không nhỏ đến GDP của 3 nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này.
Mỹ, Mexico và Canada cho biết sẽ triển khai các bước nhằm củng cố ngành bán dẫn của khu vực Bắc Mỹ. Các nước này cũng lên kế hoạch thiết lập các tiêu chuẩn hoạt động và các trạm sạc xe điện dọc biên giới quốc tế, cũng như phát triển thị trường hydro sạch tại Bắc Mỹ.
Ba nước đã cam kết đến năm 2030 giảm ít nhất 15% lượng khí methane từ chất thải rắn và lỏng so với mức của năm 2020. Trong vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và khoáng sản chiến lược, Canada đang có những khúc mắc với Mỹ liên quan tới Đạo luật giảm lạm phát của nước này, theo đó tạo ra hàng tỷ khoản trợ cấp để khuyến khích sản xuất ắc-quy xe điện tại Mỹ.
Điều này gây khó khăn cho các công ty Canada bởi phát triển lĩnh vực xe điện đang là ưu tiên của chính phủ. Canada vừa cho phép hãng xe Volkswagen đặt nhà máy sản xuất ắc-quy xe điện đầu tiên tại nước này. Nếu các vấn đề này được thảo luận thành công, có thể các sản phẩm do Canada sản xuất cũng sẽ được phép vào Mỹ.
Dù còn một số khúc mắc, song với hàng loạt vấn đề quan trọng trong quan hệ tương hỗ và chiến lược của hai quốc gia vừa là láng giềng, vừa là đồng minh, Mỹ và Canada đang tận dụng mọi cơ hội để cải thiện mối quan hệ lợi ích. Trong bối cảnh những bất ổn toàn cầu ngày càng tăng, hai bên tiếp tục phối hợp để cùng bảo vệ các giá trị chung, vì lợi ích của cả hai phía.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin