Ngành đóng tàu Trung Quốc mở rộng thị phần quốc tế

08:03, 03/03/2023

Năm 2022, nhu cầu tàu biển chở khí hóa lỏng (LNG) của thế giới tăng cao, các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để mở rộng thị phần trên thị trường quốc tế.

Một nhà máy đóng tàu ở tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: people.com.cn)
Một nhà máy đóng tàu ở tỉnh Hồ Bắc. (Ảnh: people.com.cn)

Năm ngoái, Tập đoàn đóng tàu Jiangnan và Tập đoàn đóng tàu Dalian lần đầu thực hiện hợp đồng đóng 49 tàu LNG, trị giá hơn 10 tỷ USD, với kết quả này thị phần của hai tập đoàn này đã tăng từ 7% năm 2021 lên gần 30% năm 2022. Trong khi đó, Công ty đóng tàu Hudong Zhonghua thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc ký gần 50 hợp đồng đóng mới tàu LNG, giúp kế hoạch sản xuất kín lịch đến năm 2028.

Theo “Báo cáo phân tích ngành công nghiệp đóng tàu năm 2022” do Hiệp hội Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc công bố, năm ngoái ngành đóng tàu Trung Quốc đã hoàn thành các đơn hàng với tổng tải trọng 37,86 triệu tấn, ký mới 15,52 triệu tấn, đang thực hiện 105,57 triệu tấn, lần lượt chiếm 47,3%, 55,2% và 49% thị phần thế giới. Năm 2022 là năm thứ 13 liên tiếp Trung Quốc đứng đầu thế giới về thị phần đóng tàu.

Ngoài ra, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu ngành đóng tàu Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong năm 2022. Từ tháng 1-11/2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23,85 tỷ USD, tăng 7,9% so cùng kỳ. Trong cơ cấu xuất khẩu, tàu chở hàng rời, tàu chở dầu và tàu container chiếm tỷ trọng chính, đạt 12,38 tỷ USD, chiếm 51,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với việc tăng cường quản lý các khâu sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, quản lý tốt giá thành đầu vào, các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã hạ được giá thành sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận. Từ tháng 1-11/2022, doanh thu của 1.093 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đóng tàu quy mô cấp quốc gia đạt 457,92 tỷ nhân dân tệ, tăng 8% so cùng kỳ, lợi nhuận đạt 13,65 tỷ nhân dân tệ, tăng 70% so cùng kỳ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng các sản phẩm nội địa hóa như động cơ, lò hơi, cần cẩu, hệ thống cung cấp khí đốt. Các tàu container cỡ lớn đều chuyển sang sử dụng sản phẩm thép sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa thép không gỉ sử dụng cho tàu chở hóa chất đã đạt hơn 90%. Thời gian thiết kế và đóng hoàn thiện tàu biển cũng được rút ngắn đáng kể, như trước kia mất 28 tháng để hoàn thành một tàu chở 20.000 TEU, thì nay chỉ còn 16 tháng.

Trong những năm tới, doanh nghiệp đóng tàu của Trung Quốc sẽ bận rộn với lịch giao hàng, cụ thể năm 2023-2024 là thời gian giao tàu chở container cỡ lớn với 44 tàu từ 15.000 TEU trở lên; năm 2025-2026 sẽ giao tàu LNG cỡ lớn.

Hai năm trở lại đây, thị trường đóng tàu quốc tế luôn sôi động, nhu cầu thị trường về các loại tàu biển luôn tăng, giá đóng tàu container, tàu chở ô-tô, tàu LNG luôn tăng, thậm chí có loại tàu biển tăng hàng chục triệu USD chỉ trong một năm.

Trước tiềm năng phát triển như vậy, các doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đang nỗ lực chủ động nắm bắt những biến động của thị trường cũng như tình hình vận tải biển, kết hợp với năng lực sản xuất của đơn vị mình, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để ký được những đơn hàng có chất lượng cao.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com