Tròn 1 năm kể từ khi căng thẳng tại khu vực Biển Đen đẩy giá dầu lên mức cao nhất từ năm 2008, cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô đã dần ổn định. Mặc dù vẫn còn nhiều biến số trong năm 2023, nhưng sự ổn định giá dầu trong giai đoạn đầu năm sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế.
Một cơ sở dự trữ dầu của Mỹ tại Carson, bang Oklahoma. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khác với giai đoạn đầu năm 2022, khi lo ngại đứt gãy nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga cùng các nước phương Tây leo thang đã khiến giá dầu tăng đột biến; thị trường dầu thô thế giới đã hạ nhiệt và khá ổn định trong vòng nửa năm qua. Tâm điểm của thị trường đã chuyển sang câu hỏi, liệu tình trạng thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn liệu có dẫn đến suy thoái, gián tiếp làm suy yếu nhu cầu và kéo giá lao dốc hay không?
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu WTI trên sở NYMEX đóng cửa ngày 1-3 ở mức 77,7 USD/thùng, và giá dầu Brent trên sở ICE chốt ngày ở mức 84,3 USD/thùng. Như vậy, so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3-2022, giá dầu thế giới hiện đã giảm hơn 40%.
Triển vọng tiêu thụ sẽ tích cực hơn
Bất chấp các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước G7, khi đặt giới hạn giá đối với dầu và các sản phẩm tinh chế từ Nga, dòng chảy dầu thô của Nga đang được điều hướng linh hoạt về phía châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Xuất khẩu dầu của Nga sang khu vực này đã tăng lên mức 3,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 24-1, tương đương với mức tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm xảy ra căng thẳng tại khu vực Biển Đen. Con số này đã bù đắp cho khoảng trống khoảng 1,5 triệu thùng/ngày mà EU để lại.
Trong khi đó, EU đang tăng cường nhập khẩu dầu từ Mỹ, Trung Đông, Tây Phi,… Sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn duy trì xu hướng tăng trong vòng 1 năm nay, hiện đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 4-2020 ở mức 12,3 triệu thùng/ngày.
Về nhu cầu, bức tranh tiêu thụ được kỳ vọng sẽ khởi sắc tại khu vực châu Á, đặc biệt là khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là động lực hỗ trợ giá dầu.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng được hưởng lợi và ghi nhận tín hiệu tích cực về mặt sản xuất. Chỉ số PMI Việt Nam cũng đã về trên ngưỡng 50, đạt 51,2 điểm trong tháng 2, cho thấy ngành sản xuất tăng trưởng trở lại sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng liên tiếp trước đó.
Với vai trò là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế, sự bảo đảm của nguồn cung dầu thô trong bối cảnh nhu cầu dần tích cực tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ góp phần ổn định giá xăng dầu, hỗ trợ cho đà tăng trưởng bền vững.
Giá xăng dầu ổn định tạo tiền đề cho phát triển kinh tế
Theo đà hạ nhiệt của giá dầu trên thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng đã ổn định trở lại, và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong vài tháng tới. Ở kỳ điều hành mới nhất ngày 1/3, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm. Hiện tại, giá xăng RON 95 đang ở mức 23.320 đồng/lít, xăng E5 có giá bán 22.420 đồng/lít. Nhìn chung, trong vòng 6 tháng trở lại đây, giá xăng dầu trong nước ổn định dưới mức 26 nghìn đồng/lít.
Giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới, và ít gặp các rủi ro tăng mạnh sẽ góp phần ổn định lạm phát, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế của nước ta. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã tăng chậm lại ở mức 4,31% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 4,89% trong tháng 1.
Ưu tiên giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ.
Trong ngắn hạn, giá dầu trên thế giới dự kiến sẽ ít có sự biến động mạnh như năm ngoái, giá xăng dầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bình ổn, góp phần thực hiện hóa nhiệm vụ quan trọng này.
Tuy nhiên, bài toán cung cầu về dài hạn không thể dự đoán trước về rủi ro, do đó, theo sát diễn biến trên thị trường thế giới, chủ động và linh hoạt trong việc điều tiết thị trường trong nước sẽ luôn là ưu tiên thiết yếu./.
Hồng Hạnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin