Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 28-2, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự toán ngân sách tài khóa 2023 có tổng trị giá lên tới 114.380 tỷ yen (khoảng 862 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay. Đây là năm thứ 11 liên tiếp ngân sách thường niên của nước này tăng cao kỷ lục và là năm thứ 5 liên tiếp ở mức trên 100 nghìn tỷ yen.
Trong tổng dự toán ngân sách tài khóa 2023 (bắt đầu vào đầu tháng 4-2023), chi phí an sinh xã hội lên tới 36.890 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu do tình trạng già hóa dân số nhanh ở nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phân bổ 4.000 tỷ yen cho các quỹ dự phòng đối phó với dịch bệnh COVID-19 và việc giá cả hàng hóa leo thang.
Trong khi đó, kinh phí dành cho quốc phòng (bao gồm cả các khoản chi cho các lực lượng quân sự Mỹ đang đồn trú ở Nhật Bản) cũng tăng tới 26,3% so với tài khóa trước, lên 6.820 tỷ yen (khoảng 51 tỷ USD), trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ nhằm đối phó với môi trường an ninh ngày càng phức tạp.
Về nguồn thu, Chính phủ Nhật Bản ước tính trong tài khóa tới, tổng thu thuế đạt khoảng 69.440 tỷ yen.
Vì vậy, Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành thêm 35.620 tỷ yen trái phiếu, giảm 1.300 tỷ yen so với tài khóa trước.
Anh và Liên minh châu Âu nỗ lực đạt thỏa thuận về Bắc Ireland
Trong một tuyên bố chung ngày 26-2, Anh và EU đang tìm cách tạo ra những thay đổi có thể mang lại “các giải pháp thiết thực và chung” cho vấn đề Nghị định thư về Ireland và Bắc Ireland.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen sẽ tới Vương quốc Anh vào ngày 27-2 (giờ địa phương), để tiếp tục tìm giải pháp về giao thức Bắc Ireland với Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak.
Trong một tuyên bố chung ngày 26-2, hai bên cho biết đang tìm cách tạo ra những thay đổi có thể mang lại “các giải pháp thiết thực và chung” cho thỏa thuận phức tạp này.
London và Brussels đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán giữa hai bên trong những tuần gần đây, nhằm đạt một thỏa thuận để giảm thiểu tác động của Nghị định thư Bắc Ireland.
Tham vọng ChatGPT của Trung Quốc gặp trở ngại do lệnh cấm chip AI từ Mỹ
Các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc có thể cản trở nỗ lực xây dựng phần mềm đối thủ của ChatGPT tại quốc gia châu Á này.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kể từ khi ra mắt vào tháng 11-2022, phần mềm đối thoại chatbot của công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, thu hút sự chú ý của người dùng Internet trên toàn thế giới về khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện giống như con người.
Khi các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc đua nhau giới thiệu các công nghệ tương tự ở nước này, giới chuyên gia tại một hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu tổ chức tại Thượng Hải cuối tuần qua chỉ ra rằng tham vọng cạnh tranh với ChatGPT của Mỹ có thể bị hạn chế do thiếu chip AI.
Theo Jeff Walters - Giám đốc công ty tư vấn Boston, giá trị của AI được dự đoán sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 30% thị trường AI toàn cầu, khi công nghệ này phát triển thêm nhiều ứng dụng hơn bên ngoài ChatGPT.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, việc phát triển AI vẫn gặp nhiều thách thức do vẫn bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài và gặp khó khăn trong việc thu hút lao động lành nghề riêng lĩnh vực này./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin