Ngày 21-3, Bộ Y tế Tanzania thông báo dịch bệnh do vi-rút sốt xuất huyết Marburg gây ra đã làm 5 người ở nước này tử vong và 3 người khác phải nhập viện điều trị.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Tanzania, bà Ummy Mwalimu, cho biết nhà chức trách đang tiến hành truy vết 161 người được cho là có tiếp xúc gần với những người mắc bệnh. Bà Mwalimu khẳng định Chính phủ Tanzania đã kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh và không hoang mang.
Marburg là loại vi-rút gây xuất huyết nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao tương tự vi-rút Ebola. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, vi-rút này có thể lây truyền từ động vật sang người qua tiếp xúc chất bài tiết hoặc nước tiểu của loài dơi ăn quả bị nhiễm bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do nhiễm vi-rút Marburg dao động từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước đây, tùy thuộc vào chủng vi-rút và cách kiểm soát bệnh. Hiện chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, nhưng các phương pháp điều trị tiềm năng, bao gồm các chế phẩm từ máu, liệu pháp miễn dịch và điều trị bằng thuốc, cũng như các loại vắc-xin thử nghiệm ban đầu đang được đánh giá.
Trước đó, 11 người đã tử vong trong một đợt bùng phát đầu tiên của vi-rút này ở Guinea-Bissau vào ngày 7-1.
Hy Lạp ấn định thời điểm tổ chức tổng tuyển cử
Ngày 21-3, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 tới, đồng thời lạc quan rằng đảng của ông sẽ giành chiến thắng lần nữa.
Nhiệm kỳ 4 năm của Chính phủ Hy Lạp đương nhiệm sẽ kết thúc vào tháng 7. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách giữa đảng Dân chủ Mới của ông Mitsotakis và đảng đối lập cánh tả Syriza đang dần thu hẹp sau thảm họa đường sắt tồi tệ nhất ở Hy Lạp hôm 28-2 khiến 57 người thiệt mạng. Hàng chục nghìn người đã tuần hành trên khắp Hy Lạp sau vụ việc. Đây là những cuộc tuần hành có quy mô lớn nhất kể từ khi Chính phủ được bầu vào năm 2019.
Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng
Trong báo cáo được công bố ngày 22-3, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nguồn nước của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do “việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức”.
Trong báo cáo, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo “thế giới đang đi chệch hướng” khi việc sử dụng nước không bền vững, tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngoài tầm kiểm soát đang khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, tác giả của báo cáo - ông Richard Connor cho rằng tác động của “cuộc khủng hoảng nước thế giới” là vấn đề về “các kịch bản”. Theo ông Connor, nếu không có nỗ lực nào được thúc đẩy, khoảng 40-50% dân số thế giới sẽ không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh và khoảng 20-25% thế giới sẽ không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch. Ông Connor nhấn mạnh dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người không được tiếp cận nguồn nước sạch.
Báo cáo về nước của LHQ đã kết luận rằng để đảm bảo khả năng tiếp cận nước uống an toàn cho tất cả mọi người vào năm 2030, mức đầu tư hiện tại sẽ phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về quy mô của những cam kết này và khả năng tài trợ để hiện thực hóa cam kết./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin