Ngày 4/2, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố nước này đáp ứng các điều kiện tiên quyết để nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng sau khi chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 5/2022. Tổng thống Wickremesinghe bày tỏ hy vọng đạt đồng thuận với IMF về việc giải ngân gói hỗ trợ trên.
Ảnh minh họa: Dòng xe xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo. (Ảnh: REUTERS) |
Ðầu tháng 9/2022, IMF đồng ý cấp gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD cho Sri Lanka nhưng đưa ra điều kiện tiên quyết để Colombo hoàn thành trước khi giải ngân. Sau khi các điều kiện được đáp ứng, Sri Lanka mong đợi việc giải ngân gói cứu trợ sẽ giúp nước này vượt qua khủng hoảng. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka dự kiến nền kinh tế sẽ khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2023 và lạm phát sẽ xuống mức một con số vào cuối năm nay.
Sri Lanka trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948. Ngày 18/5/2022, Sri Lanka lần đầu tiên chính thức vỡ nợ sau khi không thể thanh toán khoản lãi trái phiếu 78 triệu USD khi thời gian ân hạn kết thúc, nhưng Colombo đã tự tuyên bố "vỡ nợ" và thông báo không thể thanh toán khoản nợ quốc tế ước tính khoảng 51 tỷ USD.
Tình trạng thiếu ngoại tệ, lạm phát phi mã khiến nền kinh tế Sri Lanka rơi vào suy thoái. Sri Lanka cũng phải chịu mức thuế cao với hàng hóa nhập khẩu, cùng tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu, nhu yếu phẩm cũng như thiếu điện.
Colombo đang nỗ lực có được bảo đảm tài chính từ các nước chủ nợ hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản. Tháng trước, Ấn Ðộ, nước chủ nợ lớn thứ 3 của Sri Lanka, đã đồng ý hỗ trợ tái thiết nợ tại Sri Lanka.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin