Nguy cơ thị trường năng lượng thế giới bị xáo trộn

08:50, 08/02/2023

Ngày 5-2, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Nga chính thức có hiệu lực. Lệnh cấm này làm dấy lên lo ngại thị trường năng lượng sẽ có sự xáo trộn đáng kể trong thời gian tới.

Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. 
Ảnh: TASS/TTXVN
Các bể chứa dầu tại cơ sở lọc dầu Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Theo Bloomberg, trong nhiều thập kỷ, các đội tàu chở dầu đều đặn di chuyển giữa một cảng nhỏ ở Tây Bắc châu Âu và biển Baltic. Mỗi chiếc tàu chở khoảng 40 triệu lít dầu diesel của Nga để giúp duy trì hoạt động kinh tế của châu Âu. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 5-2, hoạt động này sẽ dừng lại khi EU triển khai lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga. Lệnh cấm trên có hiệu lực cùng lúc với biện pháp áp giá trần các sản phẩm dầu của Nga mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia đưa ra. Các bên nhất trí áp mức giá trần 100USD/thùng đối với các sản phẩm cao cấp như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giá rẻ hơn như dầu nhiên liệu. Hồi tháng 12-2022, EU cũng đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển.

Việc đưa ra các lệnh cấm vận và mức giá trần đối với sản phẩm dầu từ Nga là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu dầu mỏ - nguồn tài chính quan trọng của Moscow. Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia. Điện Kremlin đánh giá lệnh cấm vận của phương Tây đối với việc cung cấp các sản phẩm dầu của Nga là một quyết định tiêu cực, có thể dẫn đến sự mất cân bằng hơn nữa trên thị trường năng lượng thế giới. 

Theo TASS, phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá lệnh cấm này là tiêu cực. Tất nhiên điều đó sẽ tiếp tục khiến các thị trường năng lượng thế giới mất cân bằng hơn nữa. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình trước các rủi ro liên quan”. Các chuyên gia nhận định, trong thời gian ban đầu sau khi lệnh cấm của EU có hiệu lực, một số gián đoạn nguồn cung nhiên liệu từ Nga sẽ xảy ra. Ông Matthew Sherwood, nhà phân tích tại Tổ chức dự báo và tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU) của Anh cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau lệnh cấm khi các thị trường EU tiếp tục sắp xếp các nguồn cung cấp thay thế. Chúng tôi cũng cho rằng, điều này sẽ gây áp lực tăng giá đối với các sản phẩm dầu mỏ nói chung”. 

Các nhà phân tích tại EIU cho rằng, sẽ có một số thay đổi đối với dòng chảy của dầu. Nga sẽ vận chuyển nhiều dầu hơn đến Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, trong khi châu Âu tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và Mỹ. Điều đó có nghĩa là châu Âu có thể mua sản phẩm dầu từ các khu vực xa hơn với giá cao hơn nhiều so với mua dầu từ Nga. 

Hãng tin DW nhận định, việc thị trường năng lượng thế giới có bị ảnh hưởng sau lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu của Nga hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng khối này và Moscow tìm kiếm những đối tác thay thế. Nếu cả hai bên đều thành công, tác động đối với nguồn cung và giá cả sẽ không đáng kể và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Trường hợp ngược lại, lệnh cấm có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn trong các ngành phụ thuộc vào dầu diesel như giao thông vận tải và nông nghiệp. Giá nhiên liệu tăng cũng sẽ tiếp tục làm suy yếu cuộc chiến chống lạm phát của nhiều nền kinh tế./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com