Ngay trước thềm Tết Nguyên đán, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách phòng, chống Covid-19 để khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội. Nhờ đà tăng trưởng cao của chi tiêu dịp lễ tết, chính sách kích cầu, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm trực tuyến, ngành dịch vụ ăn uống đã phục hồi mạnh mẽ ngay đầu năm mới.
Khu chợ đêm Đại Đường ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền bắc Trung Quốc. (Ảnh: Sohu) |
Cục Xúc tiến tiêu dùng Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, chi tiêu cho ăn uống trong dịp tết tăng mạnh, cụ thể là dịch vụ ăn uống tại nhà hàng tăng 15,4% so cùng kỳ; hiệu suất sử dụng bàn, phòng riêng ở nhiều nhà hàng đạt 200%...
Ngoài ra, du lịch nội địa cũng giúp ngành dịch vụ ăn uống ở nhiều địa phương phục hồi mạnh mẽ, thí dụ như khách du lịch đến từ địa phương khác chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch ở tỉnh Tứ Xuyên, mức chi tiêu bình quân theo ngày tăng 43% so cùng kỳ, chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm tới 47,6%.
Một xu thế mới trong dịp Tết năm nay là đặt mua các món ăn chế biến sẵn cho bữa cơm tất niên, nhiều người dân ở các thành phố Bắc Kinh, Tây An đã mua các món ăn chế biến sẵn dưới dạng bán thành phẩm nhằm tiết kiệm thời gian.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc (CCA), đơn đặt hàng các món ăn chế biến sẵn của 26,7% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống đã tăng so cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cửa hàng, siêu thị truyền thống cũng tham gia vào thị phần các món ăn chế biến sẵn. Số liệu thống kê của ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến Meituan cho thấy, lượng đơn đặt hàng các món ăn chế biến sẵn tăng 400% so cùng kỳ.
Để có được những con số ấn tượng như trên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện chuyển đổi số từ rất sớm. Thí dụ như Tập đoàn quản lý chuỗi nhà hàng Gabu đã triển khai chương trình tặng voucher số “Nạp tiền bao nhiêu tặng bấy nhiêu”.
Tuy ngành dịch vụ ăn uống phục hồi rõ nét, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp phải nhiều khó khăn như thiếu hụt nhân viên phục vụ, gánh nặng chi phí thuê mặt bằng, tiền điện nước, vốn lưu động...
Theo số liệu của Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc (CCA), trong dịp Tết, 50% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống được hỏi cho biết gặp khó khăn về lao động, 36% doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc áp dụng cách làm truyền thống như tăng lương trong ngắn hạn để thu hút lao động hoặc thuê lao động theo giờ..., các doanh nghiệp còn phải nhanh chóng phát triển dịch vụ ăn uống theo hướng hiện đại.
Để duy trì đà phục hồi của thị trường, ngành dịch vụ ăn uống Trung Quốc đang cần thêm các chính sách về kích cầu, miễn giảm thuế phí, hỗ trợ người lao động, cũng như quy hoạch lâu dài, để từng bước ổn định niềm tin của doanh nghiệp đối với thị trường.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin