Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 26-2, Bộ Năng lượng và Cơ sở Hạ tầng Israel ra thông báo cho biết nước này sẽ đầu tư 125 triệu NIS (34 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển (R&D) năng lượng cũng như đổi mới công nghệ.
Khoản đầu tư này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nền kinh tế Israel sang sử dụng năng lượng sạch và không phát thải.
Kế hoạch đầu tư tập trung vào phát triển các nguồn năng lượng tái tạo dọc theo vùng duyên hải của Israel, bao gồm sản xuất quang năng, phong điện, điện từ sóng biển và địa nhiệt điện. Một phần vốn cũng sẽ được chi cho thúc đẩy tích hợp hydro vào lĩnh vực năng lượng, bao gồm việc thành lập một công viên hydro nhằm nghiên cứu và sản xuất loại khí này.
Khoản đầu tư bổ sung này sẽ được đưa vào ngân sách hoạt động của Chính phủ Israel tài khóa 2023-2024, trong đó lĩnh vực năng lượng được phân bổ tổng cộng 1,38 tỷ NIS (376,2 triệu USD). Ngân sách cũng chi 206 triệu NIS (56,2 triệu USD) cho chuyển đổi sang năng lượng bền vững tại các vùng đô thị, thông qua việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và chuyển đổi công tác quản ly của chính quyền địa phương đối với năng lượng bền vững.
Kế hoạch chuyển đổi năng lượng cũng đặt mục tiêu thúc đẩy hình thức giao thông sử dụng điện và mở rộng mạng lưới sử dụng khí thiên nhiên.
22 triệu người tại Đông Phi bị ảnh hưởng bởi hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua
Giám đốc khu vực Đông Phi của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông Michael Dunford ngày 25-2 cho biết hàng triệu người ở Đông Phi có nguy cơ rơi vào cảnh chết đói, giữa lúc khu vực này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất được ghi nhận.
Ông Dunford cho biết tình hình an ninh lương thực hiện nay ở Đông Phi, bao gồm cả vùng Sừng châu Phi, là “tồi tệ nhất” trong lịch sử gần đây. Đông Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, sau 5 mùa mưa thất bát. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa thứ 6 nhưng triển vọng cũng sẽ kém hiệu quả. Hạn hán đang ảnh hưởng đến 22 triệu người tại Đông Phi.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 11-2022, một nhóm gồm 16 tổ chức quốc tế cho hay thiệt hại lớn về mùa màng và thu nhập do hạn hán nghiêm trọng gây ra trong 2 năm qua đã khiến hàng triệu người ở Somalia, Kenya và Ethiopia rơi vào khủng hoảng. Hơn 3 triệu người tại các nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khẩn cấp. Điều này nghĩa là họ thường xuyên nhịn ăn trong ngày và phải bán tài sản của mình để tồn tại. Tại Somalia, hạn hán đã khiến hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ đồng ruộng của họ để chuyển đến các địa điểm sơ tán.
Ông Dunford cho biết WFP đã huy động hơn 4,6 tỷ USD trong năm ngoái, với Mỹ là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất, lưu ý rằng WFP đang cần nguồn tài trợ từ tất cả các nhà tài trợ, bao gồm cả Saudi Arabia. Trong 6 tháng tới, WFP cần hơn 455 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ ở Somalia./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin