Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu trước cuộc họp của HĐBA, Trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách Trung Đông - châu Á và Thái Bình Dương Khaled Khiari đánh giá vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới đây của Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông kêu gọi các thành viên HĐBA thể hiện tinh thần đoàn kết để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Quan chức cấp cao của LHQ cũng nêu giải pháp 3 bước giúp giảm căng thẳng trong khu vực. Thứ nhất, Triều Tiên cần triển khai ngay những bước đi hướng tới việc nối lại tiến trình đối thoại vì hòa bình lâu dài, phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng Bán đảo Triều Tiên, trong đó có việc không tiến hành thêm các vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. Thứ hai, HĐBA LHQ khẳng định cam kết theo đuổi giải pháp hòa bình, ngoại giao, toàn diện. Ông nhấn mạnh ngoại giao, chứ không phải cô lập, là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề. Thứ ba là tăng cường các kênh liên lạc, đặc biệt là đường dây quân sự. Theo ông, tránh những tuyên bố đối đầu sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng chính trị và tạo bầu không khí cho đối thoại ngoại giao.
Philippines khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đã tái khẳng định quyết tâm của Philippines giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình và hợp pháp.
Theo Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, cách tiếp cận trên của Philippines được chính thức hóa trong Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines cho rằng tình trạng căng thẳng xuất phát từ những sự cố và hành động gây hấn không phù hợp với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời gây bất lợi cho mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Manalo kêu gọi các bên bảo vệ và tăng cường trật tự dựa trên luật pháp cũng như chủ nghĩa đa phương, trong bối cảnh khó khăn do quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và leo thang cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.
Theo ông Manalo, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) có thể khởi xướng một cuộc tranh luận mở liên quan đến “quy tắc và trật tự được áp dụng trong lĩnh vực hàng hải và Biển Đông” để giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cũng như duy trì trật tự dựa trên luật lệ để mọi tranh chấp hoặc xung đột đều được giải quyết thông qua pháp quyền và các biện pháp hòa bình, mà không phải thông qua các biện pháp cưỡng chế hoặc hành động gây hấn./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin