Australia triển khai tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 5

07:53, 09/02/2023

Nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) đã khuyến nghị tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, những người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc mắc bệnh trong 6 tháng qua có thể tiêm mũi mới nhất từ ngày 20-2.

Trước đó, chỉ những người trưởng thành tại Australia bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng mới được ngừa COVID-19 thứ 5. Tuy nhiên, ATAGI cho rằng những người đã tiêm đủ 4 mũi vắc-xin ngừa COVID-19, kể cả những người trên 65 tuổi, vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do vậy cần được tiêm mũi tăng cường trong năm 2023. ATAGI cho biết mặc dù tất cả các mũi tiêm nhắc lại đều có lợi, nhưng vắc-xin mRNA dành riêng cho biến thể Omicron được ưu tiên hơn. Mặc dù số người tiêm hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên ở Australia rất cao, một phần là do bắt buộc, nhưng số lượng người Australia tiêm liều thứ 3 và thứ 4 khá thấp. Tính đến tháng 1, chỉ 72% dân số Australia đủ điều kiện đã tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa COVID-19, trong khi chỉ hơn 44%, tương đương 5,4 triệu người, tiêm liều thứ 4.

Các chính đảng Campuchia công bố cương lĩnh tranh cử

Các đảng chính trị lớn tại Campuchia đã công bố cương lĩnh cho chiến dịch tranh cử sắp tới để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-2023. Chiến dịch tranh cử dự kiến diễn ra trong 21 ngày, tập trung vào những thành tựu trong quá khứ và đưa ra các cam kết nhằm thu hút sự ủng hộ của người dân.

Các đảng công bố cương lĩnh tranh cử bao gồm đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Ánh nến (CP) đối lập, đảng bảo hoàng FUNCINPEC và đảng Khmer Quốc gia đoàn kết (KNUP) - những đảng đang tích cực thúc đẩy chính sách trước thềm bầu cử. Mặc dù các quan chức Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) kỳ vọng có ít nhất 20 chính đảng đăng ký ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, song nhiều đảng nhỏ gần như không có hoạt động gì ở cấp quốc gia và cơ sở, cũng như chưa thông báo đăng ký tranh cử.

Nhiều nước EU yêu cầu thắt chặt để ngăn chặn khủng hoảng di cư

Trong bức thư chung gửi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, 8 quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia nêu rõ: “Đã đến lúc châu Âu phải đưa ra cách tiếp cận chung đối với tất cả các tuyến đường di cư liên quan để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp”.

Bức thư khẳng định một số quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt với làn sóng người nhập cư và đơn xin tị nạn tương đương, thậm chí cao hơn so với con số thống kê trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và 2016. Mặc dù EU đã dành 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối trong giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo, vẫn kêu gọi Brussels tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới bên ngoài của EU nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, EC vẫn tỏ ra miễn cưỡng, cho rằng ý tưởng xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là giải pháp phù hợp./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com