Các hạt lúa được nhân giống thành công trên trạm vũ trụ vừa được các phi hành gia của tàu vũ trụ Thần Châu 14 mang về Trái đất, sau sứ mệnh kéo dài 6 tháng trên quỹ đạo.
Nhà khoa học Trung Quốc phân tích mẫu cây và hạt lúa được mang về từ trạm vũ trụ. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ Trung tâm đổi mới khoa học thực vật phân tử thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CEMPS) cho biết, 3 phi hành gia vừa trở về Trái đất sau sứ mệnh hàng không vũ trụ của tàu Thần Châu 14, đã mang theo các hạt giống lúa nước và một loại cây họ cải có danh pháp là Arabidopsis thaliana trải qua quá trình sinh trưởng kéo dài 120 ngày, đánh dấu việc Trung Quốc hoàn thành thí nghiệm canh tác lúa trọn vòng đời "từ hạt giống đến hạt giống" trên quỹ đạo đầu tiên trên thế giới.
Theo các nhà khoa học Trung Quốc, để con người có thể sinh sống lâu dài trên không gian, phải bảo đảm thực vật có khả năng sinh trưởng và nhân giống thành công trên không gian. Trước đây, trên thế giới, người ta đã từng canh tác và nhân giống thành công 2 loại cải, đậu Hà Lan và lúa mì.
Trong khuôn khổ dự án khoa học sự sống trong mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên của trạm vũ trụ Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của CEMPS do nhà khoa học Trịnh Tuệ Quỳnh đứng đầu đã hoàn thành thí nghiệm nhân giống lúa nước trên vũ trụ đầu tiên trên thế giới.
Nhà khoa học Trịnh Tuệ Quỳnh cho biết, thí nghiệm được khởi động từ ngày 29/7 và kết thúc ngày 25/11, kéo dài 120 ngày, với việc hoàn thành toàn bộ quá trình phát triển theo vòng đời cây lúa gồm nảy mầm, sinh trưởng cây con, ra hoa và kết hạt trên không gian.
Các phi hành gia đã 3 lần lấy mẫu thí nghiệm liên quan phục vụ công tác nghiên cứu. Bằng cách phân tích các hình ảnh thu được trên không gian và đối chiếu với hình ảnh trên mặt đất, các nhà khoa học đã phát hiện các tác động của môi trường vi trọng lực không gian đối với quá trình sinh trưởng của cây lúa, như chiều cao thân, số nhánh, tốc độ sinh trưởng, phản ứng với ánh sáng, thời gian ra hoa, tỷ lệ hạt... Nhóm nghiên cứu còn triển khai thí nghiệm lúa tái sinh và thu được hạt giống từ lúa tái sinh.
Theo bà Trịnh Tuệ Quỳnh, sau khi cắt thân khoảng 20 ngày, có thể trổ ra 2 bông lúa, cho thấy lúa tái sinh vẫn có thể sinh trưởng trong môi trường kín và hẹp trên không gian, cung cấp các ý tưởng và căn cứ thực nghiệm cho việc canh tác cây trồng năng suất cao trên vũ trụ.
Được biết, ngoài các mẫu thí nghiệm thực vật nêu trên, mô-đun trở về Trái đất của tàu vũ trụ Thần Châu 14 và các phi hành gia còn mang theo nhiều mẫu thí nghiệm về các loại vật liệu đặc thù, góp phần thúc đẩy làm chủ các công nghệ then chốt liên quan ứng dụng không gian vũ trụ.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin