Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty) |
Sau những “cú sốc” mang tính hệ thống tác động mạnh đến nhiều quốc gia cùng một lúc, bao gồm đại dịch, bất ổn địa chính trị và tình trạng khí hậu khắc nghiệt, mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP đã tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển từ năm 2019 đến năm 2021. Nếu không tính Trung Quốc, mức tăng này ước tính vào khoảng 2 nghìn tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước nghèo nhất thế giới hiện đang nợ các chủ nợ song phương chính thức 62 tỷ USD, tăng 35% so với năm ngoái.
Với lãi suất tăng mạnh, khủng hoảng nợ đang gây áp lực lớn lên tài chính công, nhất là với các nước đang phát triển cần đầu tư cho giáo dục, y tế, nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ước tính của UNCTAD cho thấy, nếu mức tăng trung bình của các khoản nợ chính phủ được xếp hạng kể từ năm 2019 được phản ánh đầy đủ trong các khoản thanh toán lãi, thì các chính phủ sẽ phải trả thêm 1,1 nghìn tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023. Số tiền này gần gấp 4 lần khoản đầu tư ước tính hằng năm là 250 tỷ USD cần thiết cho việc thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
Khi gánh nặng nợ nần gia tăng, chính phủ các nước đang phát triển rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể đầu tư để đạt các Mục tiêu phát triển bền vững và phát triển nền kinh tế, khiến việc trả nợ khó khăn hơn. Nếu một quốc gia vỡ nợ, các điều khoản tái cấu trúc nợ thường được đặt ra bởi các nhóm chủ nợ cạnh tranh để có được các điều khoản tốt nhất, thay vì ưu tiên cho các mối quan tâm về kinh tế và phát triển hoặc tính bền vững của việc trả nợ.
Ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, 70% tổng số nợ ở các nước mới nổi và 85% nợ ở các nước có thu nhập thấp là bằng ngoại tệ. Do chính phủ ở các nước đang phát triển chi tiêu bằng nội tệ và vay bằng ngoại tệ, nên cơ cấu này khiến ngân sách công phải đối mặt sự mất giá lớn không lường trước của đồng tiền quốc gia. Tính đến cuối tháng 11/2022, ít nhất 88 quốc gia đã bị mất giá đồng tiền so với đồng USD trong năm nay. Ở 31 quốc gia trong số này, mức khấu hao lớn hơn 10%. Ở hầu hết các nước châu Phi, khoản khấu hao này làm tăng các yêu cầu trả nợ, tương đương với chi tiêu y tế công cộng trên toàn lục địa.
Trong bối cảnh gánh nặng nợ nần đang làm tăng nguy cơ vỡ nợ ở các nước nghèo và cuộc khủng hoảng nợ tác động nghiêm trọng tới phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, UNCTAD thúc đẩy các giải pháp đa phương trong các lĩnh vực xây dựng năng lực, minh bạch nợ, giải quyết và cứu trợ khủng hoảng nợ. UNCTAD ủng hộ việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý đa phương để tái cấu trúc và xóa nợ nhằm tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng nợ kịp thời, có trật tự với sự tham gia của tất cả các chủ nợ, dựa trên chương trình giảm nợ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thành lập, hay còn gọi là Khuôn khổ chung.
Cụ thể, UNCTAD đang hỗ trợ các quốc gia thông qua Chương trình Phân tích tài chính và Quản lý nợ (DMFAS), một trong những sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật thành công nhất của UNCTAD. DMFAS cung cấp cho các quốc gia các giải pháp đã được kiểm chứng để quản lý nợ và tạo ra dữ liệu đáng tin cậy cho việc hoạch định chính sách. Hiện 61 nước, trong đó gần ba phần tư là quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, sử dụng phần mềm DMFAS để quản lý nợ công hằng ngày.
Mặc dù chưa có nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ mang tính hệ thống, song việc giúp các nước nghèo tránh vỡ nợ và những nước đang gặp khó khăn thanh toán nợ góp phần duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu, giảm những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới vốn đang chịu những tổn thương nặng nề bởi các cuộc khủng hoảng.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin