Hợp tác để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

08:47, 29/12/2022

Cuối năm 2020, khi đại dịch COVID-19 đang thử thách các hệ thống y tế ở khắp nơi trên thế giới, Việt Nam, trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), đã cùng 5 quốc gia khác đề xuất Nghị quyết lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm tăng cường nhận thức về vấn đề sẵn sàng ứng phó và hợp tác trước bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn ở cấp độ toàn cầu. 

Nhân viên y tế chuyển các rào chắn sau khi lệnh phong tỏa do COVID-19 được dỡ bỏ tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9-12-2022.
Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển các rào chắn sau khi lệnh phong tỏa do COVID-19 được dỡ bỏ tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 9-12-2022.

Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tuần tháng 3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tâm lý chủ quan trước đại dịch COVID-19. Vào thời điểm đó, trên toàn cầu ghi nhận hơn 254 nghìn người mắc COVID-19 và hơn 10 nghìn người tử vong. Những con số này quả thực là “khiêm tốn” khi so với thống kê hiện tại, nhưng cũng đã đánh dấu một đại dịch với quy mô đang vượt quá những dự báo ban đầu. Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã phải báo động về thực trạng đại dịch đang làm quá tải các hệ thống y tế trên toàn thế giới chỉ trong vài tuần. Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm châu Âu đang trong những ngày chống dịch cam go nhất bởi trước đó 1 tuần, WHO tuyên bố châu lục này đã trở thành tâm chấn mới của đại dịch COVID-19, sau Vũ Hán (Trung Quốc).

Phát biểu của quan chức WHO phản ánh những quan ngại rằng ngay cả một số nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, vốn được xem là có hệ thống y tế hàng đầu thế giới, nhưng dường như vẫn thiếu sự chuẩn bị kỹ càng cho “cuộc chiến” chống một đại dịch lây lan nhanh. Trên báo chí và truyền thông phương Tây khi đó tràn ngập hình ảnh hệ thống y tế nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha… phải “gồng mình” trước số ca bệnh tăng nhanh chóng. Số bệnh nhân mắc COVID-19 chiếm tới hơn 80% số giường bệnh; các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải trong khi các cuộc phẫu thuật phải hoãn vô thời hạn để không chiếm dụng giường bệnh và nhân lực ứng phó với COVID-19; quân đội phải thiết lập bệnh viện dã chiến và chuyển bệnh nhân đến các thành phố khác; nhiều chính quyền địa phương cảnh báo về tình trạng thiếu nhân viên, giường bệnh, trang thiết bị và máy thở... Khi nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu, ở Italy, các bác sĩ đã nói tới những “lựa chọn sinh tử”: Điều trị cho bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn hay những bệnh nhân cao tuổi đang dần suy kiệt.

Những diễn biến này phản ánh một thực trạng là nhiều nước phát triển, mặc dù có hệ thống y tế hiện đại và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao bậc nhất, chưa chắc đã đủ khả năng đứng vững trong một kịch bản khủng hoảng. “Đứng vững” ở đây đề cập tới các chỉ số như số giường bệnh, số giường bệnh chăm sóc đặc biệt, số bác sĩ và y tá trên đầu người, những chỉ số sẽ cho thấy khả năng ứng phó của một hệ thống y tế khi phải tiếp nhận một lượng người bệnh quá lớn trong cùng một lúc.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “COVID-19 để lại bài học rằng, thế giới đã không chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch toàn cầu”. Trong bối cảnh quá trình biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới, giới chuyên gia khẳng định COVID-19 không phải dịch bệnh cuối cùng thế giới phải đương đầu.

Cuối năm 2022, thế giới vẫn đang phải cùng lúc ứng phó với hai dịch bệnh được WHO coi là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng khi bùng phát trên toàn cầu”: đại dịch COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh. Tổng Giám đốc WHO đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu năm nay đã khiến thế giới bất ngờ. Tính đến giữa tháng 12, thế giới đã ghi nhận hơn 82 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó càng làm nổi bật ý nghĩa của Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng khẳng định những đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và các dịch bệnh tiềm ẩn trong tương lai. Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Cuối năm 2020, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam, lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh COVID-19 đã cho thấy một căn bệnh truyền nhiễm có thể lan rộng khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực và đảo lộn cuộc sống hằng ngày của toàn nhân loại một cách nhanh chóng. Bởi vậy, tất cả các quốc gia cần đầu tư vào năng lực sẵn sàng để ngăn chặn, phát hiện và đối phó dịch bệnh. Các chuyên gia y tế cũng khẳng định, khi đại dịch bùng phát, “tất cả chúng ta cùng ngồi trên một chiếc thuyền”, cùng trên một chiến tuyến. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh không thể chống lại một đại dịch toàn cầu bằng nỗ lực đơn lẻ của từng nước. Điều đó có nghĩa xây dựng đoàn kết toàn cầu cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu chặn đứng dịch bệnh./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com