Những thương nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ thế giới đang gặp khó khăn khi tuân thủ biện pháp áp trần giá dầu Nga, vì chưa bao giờ họ phải mua bán dầu với mức giá trần cố định.
Một cơ sở khai thác dầu ở ngoài khơi Astrakhan, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo trang oilprice.com, cơ chế giá trần áp lên dầu Nga vận chuyển qua đường biển có hiệu lực từ ngày 5-12. Cơ chế này có hiệu lực cùng với lệnh cấm vận gần như hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga vào Liên minh châu Âu (EU). Cơ chế mang lại cho các thương nhân ở châu Âu ít nhất một cơ hội về mặt lý thuyết để mua và bán dầu thô Nga với giá thấp. Nhưng những người soạn ra cơ chế trần giá đã không nghĩ về cách hoạt động của các thương nhân buôn bán dầu.
Trước hết trong nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), có Mỹ, Canada và Anh đã cấm nhập khẩu dầu Nga, vì vậy, mức trần giá sẽ không dẫn tới thay đổi gì. Nhật Bản mặc dù ủng hộ áp giá trần nhưng đã được miễn trừ thực hiện vì nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hydrocarbon nhập khẩu. Tiếp đó là một vấn đề lớn hơn: dầu thô không được giao dịch theo giá cố định và đây là điều vốn đã gây đau đầu trong lĩnh vực này. Trên thực tế, dầu được giao dịch theo cách mà các bên thường không thể tuân thủ mức trần giá, ngay cả khi giả định rằng Nga sẽ bán dầu cho những nước áp mức trần giá.
Tuần trước, phát biểu với Bloomberg, các thương nhân nói rằng rất nhiều người trong số họ có nguy cơ mắc kẹt với các lô dầu thô Nga có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng, không thể mua bảo hiểm và thuê tàu chở dầu của phương Tây. Tình trạng này sẽ đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu. Trong thực tế, đã xảy ra gián đoạn ở khâu liên quan Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi các nước phương Tây áp đặt mức trần giá, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu yêu cầu bằng chứng về bảo hiểm cho tất cả các tàu chở dầu đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Bởi vì các công ty bảo hiểm cho đến nay vẫn từ chối cung cấp các giấy tờ và tuyên bố rằng họ chưa bao giờ cần làm như vậy trước đây. Do đó, có trên 20 tàu chở dầu mang theo hơn 20 triệu thùng dầu thô bị mắc kẹt ở eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ có một tàu chở dầu thô của Kazakhstan được đi qua eo biển. Tàu này vận chuyển dầu mà họ nhận qua đường ống dẫn từ các cảng của Nga.
Một quan chức chính phủ Mỹ phát biểu: “Những lô hàng như vậy sẽ không bị áp trần giá trong bất kỳ tình huống nào và sẽ không có thay đổi về tình trạng bảo hiểm đối với các lô hàng của Kazakhstan trong những tuần hoặc tháng trước đó”.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dường như nhất định đòi xem bằng chứng về bảo hiểm, và nhóm các công ty bảo hiểm lớn khẳng định họ không thể cung cấp bảo đảm về bảo hiểm trong trường hợp một con tàu có bảo hiểm như vậy vi phạm trần giá và khiến công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng theo. Các quan chức phương Tây đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã yêu cầu bổ sung bằng chứng bảo hiểm. Một người nói: “Chính sách trần giá không yêu cầu các tàu phải tìm kiếm các bảo đảm bảo hiểm riêng cho mỗi chuyến đi riêng lẻ như Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu. Tình trạng gián đoạn này là do Thổ Nhĩ Kỳ, không phải do chính sách giá trần”.
Theo các nhà phân tích, nếu những tàu chở dầu đó vẫn bị mắc kẹt trong một tuần nữa, thì thị trường sẽ chịu tác động khi thiếu hụt 20 triệu thùng dầu này. Nếu tình trạng loay hoay về giá trên thị trường vẫn tiếp diễn thì sẽ có nhiều dầu hơn có thể bị kẹt và không được giao. Đây là điều sẽ xảy ra trên một thị trường mà cung vẫn chưa theo kịp cầu./.
Theo Báo tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin