Giải cứu trên 160 người di cư vượt Eo biển Manche

07:54, 19/12/2022

Ngày 17-12, các nhà chức trách Pháp thông báo các lực lượng cứu hộ nước này đã giải cứu trên 160 người di cư đang tìm cách vượt Eo biển Manche đến Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

Eo biển Manche là một trong những tuyến vận tải đường biển tấp nập nhất thế giới. Trong năm qua, tuyến đường này đã ghi nhận kỷ lục trên 40 nghìn người di cư tìm cách vượt eo biển từ Pháp sang Anh trên những chiếc thuyền mỏng manh. Các nhà chức trách cảnh báo con số này có thể đạt 60 nghìn người vào cuối năm 2022. Tình trạng di cư bất hợp pháp là một vấn nạn mà Chính phủ Anh vẫn đang tìm cách giải quyết trong khi London cam kết sẽ siết chặt quản lý các đường biên giới sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Chính phủ Anh đang cố gắng thông qua luật mới để ngăn chặn số lượng kỷ lục người di cư trái phép.

WHO cạn nguồn vắc-xin phòng bệnh tả

Reuters ngày 16-12 đưa tin, kho dự trữ vắc-xin phòng bệnh tả do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quản lý hiện đã cạn kiệt, trong bối cảnh dịch tả đang bùng phát trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Theo số liệu của WHO, tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh tả đang gia tăng và có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã báo cáo dịch tả bùng phát trong năm nay, cao hơn 30% so với những năm trước. “Chúng tôi không còn vắc-xin. Nhiều quốc gia đang tiếp tục yêu cầu cung cấp vắc-xin phòng bệnh tả và điều đó cực kỳ khó khăn”, Tiến sĩ Philippe Barboza, Trưởng nhóm nghiên cứu bệnh tả và bệnh tiêu chảy của WHO cho biết. Nguyên nhân một phần là do một công ty sản xuất vắc-xin của Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu. Dịch tả chủ yếu lây lan ở các nước nghèo, trong khi việc phát triển vắc-xin phòng bệnh tả được cho là “kém hấp dẫn hơn nhiều” so với việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19.

Vệ tinh SWOT giúp lập bản đồ đại dương, sông, hồ

Tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo vệ tinh SWOT đã được phóng lên quỹ đạo từ Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Vandenberg ở California (Mỹ).

Dữ liệu vệ tinh gửi về sẽ giúp các nhà khoa học lập bản đồ gần như toàn bộ các đại dương và sông, hồ trên thế giới. Đồng thời, qua các phép đo của SWOT, các nhà khoa học có thể tính toán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu đối với các đại dương, sông, hồ. Đặc biệt, vệ tinh có thể tiết lộ vị trí, tốc độ dâng của nước biển cũng như sự thay đổi của đường bờ biển, giúp các quốc gia có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các đợt lũ lụt và thảm họa khác liên quan đến nước, vốn đang gia tăng do biến đổi khí hậu. Vệ tinh sẽ thực hiện nhiệm vụ kéo dài 3 năm ở quỹ đạo 890km. Đây là kết quả của dự án hợp tác giữa Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Pháp, trị giá 1,2 tỷ USD và được tiến hành trong 20 năm, có sự tham gia của Anh và Canada./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com