Nỗi lo về khoảng trống nhân lực

09:01, 16/11/2022

Sức nóng từ bài toán thiếu hụt lao động tiếp tục lan rộng ra nhiều châu lục, từ châu Á đến châu Âu, và cản trở nghiêm trọng tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cuộc khủng hoảng nhân lực còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, ổn định xã hội do làn sóng đình công của người lao động.

 

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nước Anh đang chao đảo trong cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Những ngày qua, tình cảnh các bệnh nhân phải xếp hàng dài để chờ đợi tiếp cận các dịch vụ y tế, bất kể là dịch vụ thông thường hay khẩn cấp, diễn ra tại khắp các bệnh viện lớn, nhỏ của quốc gia châu Âu này. Thậm chí, một kỷ lục được ghi nhận đối với dịch vụ y tế khẩn cấp là có tới 43.792 bệnh nhân phải chờ đợi ít nhất 12 giờ đồng hồ để được điều trị kịp thời

Nhiều bệnh nhân phải ngồi chờ trên xe đẩy thay vì được cấp cứu trên giường bệnh. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhiều loại bệnh xuất hiện vào mùa đông, cùng với lỗ hổng nhân lực trầm trọng trong ngành y tế. Số lượng y tá mà Cơ quan Y tế Anh (NHS) đang thiếu tăng lên mức cao kỷ lục là khoảng 47 nghìn người. 

Ở những khu vực khác, các quốc gia như Nhật Bản, Australia... cũng chia sẻ chung nỗi lo về khoảng trống nhân lực. Có đến 286 ngành nghề ở Australia rơi vào tình trạng thiếu lao động có tay nghề, từ kỹ sư hóa chất đến công nhân lò mổ. 

Thống kê cho thấy, trong tháng 8-2022, có tới 301.100 công việc được quảng cáo tìm người làm ở Australia, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động toàn thời gian. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 50,1% số doanh nghiệp đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động toàn thời gian. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2019, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu lao động tại nước này ở trên ngưỡng 50%.

Giữa lúc các nền kinh tế sẵn sàng bứt tốc phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì trớ trêu thay, tình trạng thiếu hụt lao động lại là vấn đề gây nhức nhối, khiến nhiều ngành nghề rơi vào cảnh trì trệ. 

Hội chứng COVID-19 kéo dài là một trong những nhân tố chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân lực trầm trọng này. Với các triệu chứng như ho, khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh, vận động kém..., hội chứng COVID-19 kéo dài là một góc khuất ẩn sau đại dịch, đang được các nhà khoa học tiếp tục đào sâu nghiên cứu. 

Tuy nhiên, có thể nhận thấy một thực tế rằng, hội chứng này ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe bệnh nhân và cản trở người bệnh quay trở lại với công việc. Tại Anh, có tới 2,1 triệu người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Theo khảo sát, hơn 75% số người Anh mắc hội chứng này lựa chọn giảm tải hoặc thay đổi công việc. 

Môi trường làm việc căng thẳng với khối lượng công việc cao, nhân lực ít cũng khiến nhiều người kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Một nguyên nhân khác là mức lương không theo kịp với sự gia tăng của giá cả do lạm phát. 

Thực tế này đã dẫn tới làn sóng đình công lan rộng ở một loạt ngành nghề như vận tải hành khách, y tế, bưu chính viễn thông... để yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, kéo theo hoạt động kinh tế tại các nước bị đình trệ. Các yếu tố khác có thể kể đến là tình trạng già hóa dân số, sự thay đổi lối sống sau đại dịch...

Để giải tỏa cơn khát nhân lực, Đức, Hàn Quốc, Canada áp dụng những chính sách nhập cư mới giúp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài. Australia đẩy mạnh đào tạo kỹ năng cho người lao động thông qua việc tài trợ các suất học nghề miễn phí. 

Trong một nỗ lực tự thân giải quyết khủng hoảng, một số doanh nghiệp quyết định tăng lương để thu hút lao động. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ gặp nhiều trở ngại do hàng loạt khó khăn từ dịch bệnh, lạm phát đang bủa vây các doanh nghiệp, khiến họ loay hoay tìm cách bù đắp thiệt hại và duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này.

Các cuộc khủng hoảng đan xen từ lạm phát tăng cao, sự tắc nghẽn nguồn cung khí đốt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp... đang “phủ bóng đen” lên tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội toàn cầu. 

Bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng càng khiến tình hình trở nên ảm đạm. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng nhân lực hiện nay là một vấn đề không thể xem nhẹ trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, đòi hỏi các nước phải vạch ra kế hoạch ứng phó linh hoạt, toàn diện và dài hạn với mọi biến động trên thị trường./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com