Iran củng cố vị trí trên bản đồ năng lượng toàn cầu

08:32, 25/11/2022

Trong bối cảnh chịu sức ép ngày càng gia tăng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, Iran đang tìm cách hiện đại hóa và nâng cao sản lượng cũng như tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu dầu khí. Nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới này quyết tâm khẳng định một vị trí quan trọng trên bản đồ năng lượng toàn cầu bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Iran và Armenia ký gia hạn thỏa thuận đổi khí đốt lấy điện. (Ảnh APA)

Iran và Armenia ký gia hạn thỏa thuận đổi khí đốt lấy điện. (Ảnh APA)

Iran và Nga gần đây ký các hợp đồng khí đốt trị giá khoảng 6,5 tỷ USD. Các thỏa thuận mới được ký kết là một phần của Bản ghi nhớ (MoU) với số tiền lên tới 40 tỷ USD được ký giữa Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) và Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, Nga dự kiến sẽ đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran chuyên trách về kinh tế đối ngoại, ông Mehdi Safari (M.Xa-pha-ri), với mục tiêu trao đổi hằng năm 10 triệu tấn khí đốt, thỏa thuận hoán đổi khí đốt giữa Iran và Nga sắp được hoàn tất, vấn đề duy nhất chưa được quyết định là chọn quốc gia trung gian để đưa khí đốt của Nga đến Iran.

Dự án chung giữa Iran và Nga sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khí đốt giữa hai nước và các nước trung gian như Turkmenistan và Azerbaijan. Để tạo thuận lợi giao thương, những năm gần đây, Iran và Nga đã mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran thông báo, Sở Giao dịch chứng khoán Tehran đã khởi động giao dịch bằng đồng rial và ruble. Theo đó, hai bên sẽ mở rộng việc sử dụng đồng tiền của hai nước sang các hoạt động thương mại song phương khác.

Là quốc gia có trữ lượng khí đốt đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Nga, Iran bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối năm 2001. Nguồn cung khí đốt tự nhiên khổng lồ của Iran đã thu hút sự chú ý của các công ty năng lượng toàn cầu. Iran mới đây tiết lộ kế hoạch mới của nước này nhằm bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt ổn định và thúc đẩy xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng sáu tháng tới. Theo các thỏa thuận được hai bên ký kết, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp trong các kế hoạch liên quan hoạt động kỹ thuật và vận hành đường ống khí đốt, bao gồm một loạt dự án như sửa chữa và bảo trì đường ống, cải tạo một trạm nén khí ở cửa khẩu Bazargan. Iran và Armenia mới đây cũng đã nhất trí kéo dài thêm 6 năm thực thi thỏa thuận đổi khí đốt lấy điện với thời hạn 20 năm, tới năm 2030. Theo đó, Iran sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu sang Armenia (hiện ở mức 1 triệu m3), để đổi lại Armenia sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Iran.

Trong khi đó, nhằm thiết lập vị trí trên bản đồ năng lượng toàn cầu và tăng doanh số bán dầu mỏ, Iran thông báo đã bắt đầu lọc dầu thô với công suất khoảng 100.000 thùng/ngày tại nhà máy El Palito ở Venezuela. Cùng là hai quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, Iran và Venezuela mở rộng hợp tác nhằm hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt.

Hồi tháng 5, Công ty phân phối và lọc dầu quốc gia Iran (NIORDC) đã ký hợp đồng trị giá 116 triệu USD với Công ty dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) để sửa chữa và mở rộng nhà máy lọc dầu El Palito.

Việc tìm kiếm các thị trường để tăng doanh số bán dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Iran, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang đối mặt nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí với các nước giúp Tehran gia tăng nguồn thu từ nguồn tài nguyên này để bù đắp cho những khó khăn kinh tế hiện nay, đồng thời củng cố vị trí quan trọng trên bản đồ cung cấp năng lượng thế giới.

Theo nhandan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com