Chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực đưa dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng về đích tháng 12/2024.
Đã hoàn thành sản lượng 70% giá trị hợp đồng
Những ngày đầu tháng 9/2024, PV có mặt tại công trường thi công dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Ninh Bình - Nam Định và ghi nhận, trên công trường có nhiều thiết bị máy móc được tập trung, hàng trăm cán bộ, công nhân kỹ thuật đang hối hả thi công.
Thi công đúc hẫng các khối Ki trụ chính giữa sông. |
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Nguyên, phụ trách thi công bờ Nam Định, đại diện nhà thầu thi công, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương cho biết, theo hợp đồng đến tháng 12/2024, nhà thầu thi công phải hoàn thành công trình để bàn giao cho chủ đầu tư.
Về công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản hoàn thành (hiện chỉ còn hạng mục di dời đường điện 0,4KV phía Ninh Bình); UBND 2 tỉnh Ninh Bình, Nam Định đã ban hành quyết định giao đất cho dự án.
Với quyết tâm đưa dự án kịp tiến độ, nhà thầu đang tập trung gần 300 cán bộ, kỹ thuật, công nhân viên và nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, thực hiện theo ca ngày - đêm.
Theo ông Nguyên, trên nền mặt bằng đã được bàn giao, đến thời điểm này nhà thầu đã cơ bản thực hiện xong các phần việc chính, hoàn thành sản lượng 70% giá trị hợp đồng.
Đối với phần cầu đã hoàn thành 100% cọc khoan nhồi; 100% mố, thân trụ. Đã lao lắp được 6/8 nhịp dầm Super T phía Ninh Bình; 10/15 nhịp dầm Super T phía Nam Định.
Riêng phần đường hai đầu cầu, phía Ninh Bình, tuyến chính đã hoàn thành đào hữu cơ, xử lý nền yếu; đoạn cắm bấc thấm đã hoàn thành đắp cát K95 và đắp gia tải; đang đắp cát K95, vật liệu hạt sau mố đoạn cọc xi măng đất đầu cầu. Đang thi công nền đường tuyến nhánh, các hạng mục thoát nước và công trình phòng hộ, phụ trợ.
Công nhân thi công hạng lục lan can mặt cầu. |
Phía Nam Định, đã hoàn thành đào hữu cơ, xử lý nền yếu. Đoạn cắm bấc thấm đã hoàn thành đắp cát K95 và đắp gia tải; đang đắp cát K95, vật liệu hạt sau mố đoạn cọc xi măng đất đầu cầu. Đang thi công các hạng mục thoát nước và công trình phòng hộ, phụ trợ.
"Chúng tôi dự kiến sẽ hợp long nhịp vượt đường Bái Đính - Kim Sơn trong tháng 10/2024. Hợp long cầu chính trong tháng 11/2024 và hoàn thiện các hạng mục công trình, bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ trong tháng 12/2024", ông Nguyên cho biết.
Tăng cường liên kết, tạo động lực phát triển
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định với Ninh Bình thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, có tổng chiều dài 2km đi qua xã Khánh Cường, Khánh Trung thuộc địa phận huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái thuộc địa phận huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định.
Công nhân thi công thành cầu. |
Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, gồm các hạng mục: cầu vượt sông dài khoảng 1,36km với mặt cắt ngang cầu rộng 19,5m; đường dẫn dài khoảng 0,64km, rộng 19m và các nhánh (đoạn từ Km17+300 đến Km17+495,5) trên tuyến đường cao tốc và 2 nhánh nút giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình; đoạn từ Km18+856 đến Km19+300/lý trình cao tốc và 2 nhánh nút giao, thuộc địa phận tỉnh Nam Định.
Hạng mục cầu vượt sông Đáy tại Km18+116/lý trình đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Phía tỉnh Ninh Bình, cầu kết nối với đường Bái Đính - Kim Sơn bằng 2 nhánh với quy mô nền rộng 12m; phía tỉnh Nam Định tuyến giao vượt khác mức với quốc lộ 37B và giao khác mức liên thông với tuyến đường tỉnh 490, kết nối bằng 2 đường nhánh, quy mô nền đường rộng 8m.
Đến thời điểm hiện tại 100% mố, thân trụ cầu đã hoàn thành. |
Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định (đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, dự án nhằm mục tiêu kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tăng cường tính liên kết nối vùng và liên vùng khu vực đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, dự án giups giảm tải cho hệ thống giao thông hiện có, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển cho người tham gia giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo Giao Thông
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin