Thú chơi đồ cổ ở Hải Minh

08:56, 05/07/2024

Xã Hải Minh (Hải Hậu) vốn có nghề buôn đồng nát từ lâu. Từ những gánh đồng nát, người dân trong xã có điều kiện đến với nhiều vùng quê, sưu tầm được những món đồ cổ quý giá. Thú chơi đồ cổ “tao nhã” của nhiều “tay chơi” Hải Minh bắt nguồn từ một nghề “không mấy liên quan” là vì thế. Để rồi, dần dần từ những món đồ sưu tầm được, người chơi đồ cổ ở Hải Minh đã khẳng định được tên tuổi, “thương hiệu” trong giới chơi cổ vật.

Ông Đỗ Văn Thiện bên cổ vật sưu tầm hàng chục năm qua.
Ông Đỗ Văn Thiện bên cổ vật sưu tầm hàng chục năm qua.

Đi dọc dài các xóm ở Hải Minh mới thấy hết sự trù phú của vùng quê này. Bên cạnh một số toà lâu đài sừng sững là san sát những ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang, hiện đại. Trên đường làng, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những “gương mặt lạ” hỏi đường rồi rẽ vào các hộ gia đình tìm hiểu, mua bán các loại cổ vật quý giá. Mới ngoài 30 tuổi nhưng Đỗ Văn Chí cũng đã có “thâm niên” gần chục năm gắn bó với nghề sưu tầm đồ cổ. “Số tuổi chưa nhiều nhưng thời gian tôi tiếp xúc với công việc, thú chơi đồ cổ thì… rất lâu rồi. Tôi là thế hệ thứ 4 trong nhà tiếp nối đam mê, “nghiệp” của gia đình. Cụ nội tôi, cụ Lý Cả vốn là một thương gia từ những năm 1930 đã từng đi khắp từ Nam ra Bắc lùng buôn đồ cổ. Ông nội rồi bố tôi đều là những người có niềm đam mê với những món đồ cổ quý giá. Cứ như thế, “máu” chơi đồ cổ ngấm vào tôi một cách tự nhiên”, anh Chí cho biết.

Bộ đồng hồ chân nến cổ.
Bộ đồng hồ chân nến cổ.

Thú chơi đồ cổ, theo anh Chí có tác dụng “gây mê” rất lớn. “Mê” đến mức, người chơi có thể mất ăn, mất ngủ vì một món đồ ưng ý nào đó. “Tôi đã từng chứng kiến ông tôi, bố tôi bứt rứt không yên nếu chưa mua được món đồ đã “ngắm”. Mua được rồi thì vui đến mức nửa đêm lại lọ mọ lôi món ra ngắm nghía, bình phẩm… quên cả ngủ” , anh Chí chia sẻ. Sau nhiều năm theo đuổi thú chơi cổ vật, đến nay, “tích cóp” trong nhà anh Chí có khoảng vài nghìn món đồ cổ được chia thành các mảng: đồ sứ, đồ gốm và đồ gỗ Tàu. Ở mỗi mảng gia đình anh lại có những món đồ quý khác nhau được định giá tiền tỷ, được giới nghề vị nể. Giới chơi đồ cổ phải trầm trồ trước những món đồ mà gia đình anh đang sở hữu như: Cặp đồ sứ song bình đời nhà Thanh, chiếc đồng hồ bằng ngọc của Pháp có trên 140 năm tuổi. Chiếc phong cầm rất quý của một nghệ sĩ nổi tiếng với các phím đàn bọc bằng ngà voi; hàng chục bộ trường kỷ làm bằng gỗ trắc thuộc sở hữu cung đình của bậc vua chúa, quan lại đời Nguyễn. Món quý giá nhất được cả gia đình anh nâng niu, giữ gìn có lẽ là chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2.000 năm mà bố anh, ông Đỗ Văn Thiện phải mất nhiều công lặn lội mới mang về được. Nhiều người trong giới nghề cũng đánh giá rất cao món đồ cọc hồ lô đời nhà Thanh mà gia đình anh đang sở hữu...

Anh Đỗ Văn Chí giới thiệu một số sản phẩm cổ trong gia đình.
Anh Đỗ Văn Chí giới thiệu một số sản phẩm cổ trong gia đình.

Chơi đồ cổ, cũng theo anh Chí ngoài tốn tiền còn phải tốn rất nhiều thời gian và tâm sức. Vì vậy, mỗi món đồ sưu tầm được đều là một kỷ niệm, sự trân trọng khó quên đối với người sưu tầm. Do đó, có những món dù đem lại giá trị kinh tế cao nhưng nhất định gia đình anh không mang giao thương; nhất là những món “gia bảo” từ đời ông cha. “Những món đồ ấy chúng tôi luôn gìn giữ để mỗi thế hệ cùng ghi nhớ, cố gắng dày công vun đắp “nghiệp nhà”, anh Chí cho biết thêm. Là một người trẻ làm nghề sưu tầm, buôn bán đồ cổ, anh Chí chọn hướng đi riêng để duy trì nghề xưa. Anh tham gia các hội, nhóm buôn bán đồ cổ trong và ngoài nước, mở các kênh giới thiệu sản phẩm trên youtobe, zalo, facbook, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; tham gia các cuộc đấu giá đồ cổ trên mạng; tìm đến các hội chợ đồ cổ ở Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu, châu Mỹ… “săn” những món đồ quý hiếm. Giỏi ngoại ngữ, năng động, nhạy bén trong kinh doanh giúp anh duy trì nghề truyền thống của gia đình một cách hiệu quả.

Về Hải Minh, khách phương xa không chỉ trầm trồ trước những món đồ cổ quý hiếm của gia đình anh Chí mà còn có dịp thưởng lãm nhiều cổ vật sâu tuổi của các “tay chơi” khác. Giới chơi đồ cổ trong và ngoài tỉnh nói chung “điểm mặt quen tên” được những người chơi đồ cổ có tiếng ở Hải Minh như các anh: Bào, Tân, Tĩnh, Thi, Huy “điếu”, Kim, Minh… Mỗi người họ đều có các món đồ quý “trình làng” giới nghề như: lô cổ vật đĩa Huế tích “Khánh xuân thị tả” của anh Kim. Anh Tân có chiếc tủ khảm bằng gỗ trắc Tàu thuộc vào dạng đặc biệt quý hiếm. Anh Tĩnh có trên 10 bộ đồ gỗ trắc Tàu… Thăm thú các gian hàng trưng bày đồ cổ trong xã, khách phương xa còn choáng ngợp khi được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” các món đồ có giá từ trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đó là những chiếc tủ chè khảm ốc già, ngả xanh hoa lý hay vàng chanh khi có ánh sáng chiếu. Vài chiếc sập gụ đen thẫm, bóng loáng quang dầu bao thế hệ. Ngoài ra còn cơ man câu đối, cuốn thư lóng lánh sắc vàng mười, các sắc phong còn nguyên dấu triện và các kiểu đồng hồ lên giây cót ODO 36/10 hay đồng hồ tủ cao to lừng lững gần chạm mái… Đồ cổ ở Hải Minh đa dạng nhưng tập trung chủ yếu ở các mảng sành, sứ, bàn ghế, sập Tàu, long sàng, ngoài ra còn có đồ đồng, đồ gốm…

Rời Hải Minh trong ánh nắng trưa hè rực rỡ, ấn tượng đọng lại sâu đậm trong chúng tôi là sự trù phú của một vùng quê đang ngày càng đổi mới. Dưới những nếp nhà hiện đại, những cánh cửa kính sáng bóng, bề thế, các cổ vật đủ chủng loại được gia chủ bày biện, giữ gìn cẩn trọng. Đối với nhiều người chơi đồ cổ ở Hải Minh, đó không chỉ là gia tài mà còn là tâm huyết, đam mê mà họ dành cả đời để dày công nghiên cứu, tìm hiểu và sưu tầm. Để rồi nghề cũng “chọn người”, trả lại những mùa “quả ngọt” xứng đáng cho tâm sức người chơi.

Bài và ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh
 


Từ khóa:

Thú chơi đồ cổ

Hải Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com