Chế độ nước tưới
Khâu điều tiết nước rất quan trọng nó có thể quyết định đến hiệu lực phân bón và phòng trừ sâu bệnh sau này.
- Với lúa cấy: Vụ xuân nên lấy nước làm áo, sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng, vừa giữ ấm cho cây lúa giúp cây nhanh bén rễ hồi xanh.
- Với lúa gieo thẳng: Sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng nhưng rãnh luống cần có nước để hạn chế cỏ dại và giúp cây con nhanh bám rễ, rễ ăn sâu, cây khoẻ, mập.
Tuy nhiên, không để mặt luống bị đọng nước hay để quá khô hạn ảnh hưởng đến khả năng mọc của cây lúa.
Nếu trời nắng, nhiệt độ cao, mặt ruộng nứt nẻ hoặc thời tiết rét kiểm tra lúa được 1,5 - 2 lá có thể đưa nước vào láng chân nhưng cần chú ý xử lý ốc bươu vàng ngay sau khi đưa nước vào.
Khi cây đạt 2,5 - 3 lá đưa nước láng chân, tranh thủ thời tiết ấm nhiệt độ trên 150C thì tiến hành bón nhử bằng NPK chuyên thúc cho lúa hoặc 2 - 3 kg đạm Ure/sào và tỉa dặm.
Từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh (cả lúa cấy và lúa gieo thẳng) thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi như sau: Giai đoạn lúa đẻ nhánh, cần giữ nước xăm sắp mặt ruộng tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung, không để ruộng khô cỏ sẽ mọc nhiều. Khi cây lúa đẻ nhánh kín đất, tiến hành rút cạn nước nẻ chân chim từ 7-10 ngày, để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng chống đổ. Đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới và làm giảm phát thải khí nhà kính. Sau đó đưa và giữ đủ nước cho giai đoạn phân hóa đòng, trỗ, chín của cây lúa.
Dặm tỉa
Nên dặm tỉa càng sớm càng tốt, kết thúc trước khi cây lúa đẻ nhánh. Đầu vụ xuân năm nay thời tiết ấm, có nắng khá thuận lợi cho mạ và cây lúa sau gieo cấy phát triển. Cần kiểm tra, loại bỏ ngay những tảng mạ dự phòng bị đạo ôn nặng để tránh lây lan ra diện rộng. Nếu để mật độ quá dày lúa sẽ đẻ ít, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp, sâu bệnh nhiều. Do vậy, nên chủ động tỉa bỏ phần gieo dày dự phòng, tảng mạ dự phòng ngay từ đầu vụ để mật độ thưa. Đồng thời dặm vào những chỗ cây chết, cây yếu để sớm ổn định mật độ.
- Với lúa gieo thẳng: Áp dụng phương thức vãi tay cây cách cây khoảng 8 - 12 cm, sạ hàng khoảng 18 - 20 dảnh/m dài, đảm bảo 90 – 100 dảnh/m2 là vừa.
- Với lúa cấy: Những giống đẻ khoẻ như lúa lai, BC15…mật độ 28 - 30 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm và đối với lúa đẻ trung bình như TBR1…mật độ 32 – 35 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm.
Trừ cỏ dại và ốc bươu vàng
Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học góp phần bảo vệ môi trường nên tăng cường các biện pháp thủ công để trừ cỏ dại và ốc bươu vàng.
+ Về trừ cỏ dại: Vụ xuân ấm nên cỏ mọc rất nhanh do đó nếu không diệt trừ cỏ dại tốt sẽ là nơi trú ngụ sâu bệnh và cạnh tranh dinh dưỡng của cây lúa. Nên làm cỏ sớm kết hợp với bón phân thúc vùi sâu trong đất giúp cây hấp thu thuận lợi.
+ Về phòng trừ ốc bươu vàng: Do thời tiết ấm nên ốc sinh sản nhanh gây hại cho lúa non, nhất là những ruộng có nhiều nước. Đối với lúa gieo thẳng, sau khi đưa nước vào ruộng ốc sẽ theo đường nước vào gây hại cây con cần chủ động phòng trừ. Nên ưu tiên diệt ốc và trứng ốc bằng phương pháp bắt thủ công một cách thường xuyên trong suốt thời gian sinh trưởng của lúa, hạn chế tối đa khả năng sinh sản của ốc. Chăng lưới mắt nhỏ ở các đầu kênh dẫn nước để thu bắt ốc. Đồng thời, khi đưa nước vào ruộng nên có lưới chắn lọc nước để hạn chế ốc theo đường nước vào gây hại cây.
Phân bón
Năm nay, đất không được ải cộng với giai đoạn đầu vụ thời tiết ấm và ít mưa nên tốc độ khoáng hóa mạnh, cây lúa sinh trưởng nhanh nên có thể bị đói ăn cuối vụ. Do vậy, chăm sóc sẽ tốn phân hơn.
Ngoài phân bón lót thì nên bón thúc bằng các loại phân NPK chuyên thúc cho lúa có hàm lượng đạm và kali cao như loại 16:5:17, 17:5:16, 12:5:10,... với lượng khoảng 14 - 17 kg/sào.
* Với những diện tích lúa cấy sớm từ trong tết cần tiến hành bón thúc rải và tăng lượng phân 10 - 15% so với mọi năm. Để nâng cao hiệu quả bón phân nên chia làm 2 lần bón thúc:
+ Lần 1: Khi lúa bén rễ hồi xanh, nhiệt độ trên 150C, bón 2/3 lượng phân thúc.
+ Lần 2: Sau bón thúc lần 1 khoảng 18 - 20 ngày, bón hết lượng phân NPK chuyên thúc còn lại.
* Với lúa cấy mạ nền cứng và gieo thẳng đúng thời vụ sau tết Nguyên Đán, khi lúa đã bật lá nõn (lúa cấy) hoặc được 2,5 - 3 lá (lúa gieo thẳng) cần bón tập trung 1 lần hết lượng phân thúc.
* Khi lúa bắt đầu phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, sức sinh trưởng của cây, chân đất…) có thể bón bổ sung 3 - 4 kg Kali/sào hoặc 3 - 4 kg NPK nuôi đòng, nuôi hạt.
Lưu ý:
- Mỗi lần bón phân xong cần dùa đục nước cho chìm phân hoặc vơ cỏ tay kết hợp dặm tỉa nhằm hạn chế mất phân.
- Bà con không nên sử dụng phân đơn để bón cho lúa, đặc biệt không được bón đạm lai rai sẽ kéo dài thời gian đẻ nhánh, làm cho lúa tốt lá, ruộng lúa không thông thoáng là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại. Tuyệt đối không bón phân đạm khi nhiệt độ <15 độ C.
- Trường hợp cây lúa bị bệnh đạo ôn cần phun trừ bệnh trước khi bón phân thúc.
- Những chân ruộng chua phèn cây lúa bị nghẹt rễ, vàng lá hoặc cây lúa bị ngộ độc thuốc cỏ, cần phải thay nước và duy trì từ 3 - 5 cm. Sau đó tiến hành bón 7 - 10 kg lân supe/sào hoặc 5 - 7 kg phân vi sinh Azotobacterin giúp khử chua, ém phèn, kích thích ra rễ mới. Kết hợp phun chế phẩm KH hoặc Siêu lân, PenacP... phun lặp lại lần 2 sau 5 ngày. Khi lúa đã phục hồi, ra rễ mới, cần bón 2 - 3 kg ure/sào để cây đẻ nhánh khỏe.
Theo khuyennongvn.gov.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin