Lưu ý khi trồng khoai lang

07:56, 30/10/2024

1. Thời vụ

Vụ Xuân: Trồng từ 20/01 – 20/02 (dương lịch).

Vụ Thu Đông: Từ 25/8 - 10/9. Không trồng vụ Đông.

2. Chọn và làm đất

Đất thích hợp nhất là đất cát pha, thịt nhẹ. Đất phải được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30 - 40 cm. Nếu đất có tầng canh tác nông thì làm luống rộng 1,3-1,4 m cả rãnh.

Thường xuyên thăm ruộng sau khi trồng
Thường xuyên thăm ruộng sau khi trồng.

3. Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị giống: Cắt dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 dài 25-30 cm.

Kỹ thuật trồng: “Một dây thẳng hàng giữa luống nối đuôi nhau”. Đặt dây nông dọc luống, trồng với mật độ 3.500 - 4.000 dây/sào (4 dây/1m dài). Lên luống phải nở sườn.

4. Phân bón

Lượng phân bón: Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2) 300 kg phân chuồng, 15 kg phân Super lân hoặc NPK chuyên lót 5-10-3, 4 - 6 kg đạm urê (đất cát ven biển đất bạc màu bón 6 kg đạm, đất tốt bón ít đạm, tăng lân và kali) và 5 - 6 kg kali.

Cách bón: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng + toàn bộ phân lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng Kali.

Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp vun xới.

- Bón thúc lần 1: Sau trồng 20-25 ngày bón thúc 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng Kali kết hợp vun xới lần 1.

- Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 15-20 ngày bón thúc số phân còn lại kết hợp vun xới.

5. Chăm sóc và tưới nước

- Bấm ngọn: Sau khi trồng 20 - 25 ngày (vụ Xuân) và 15 - 20 ngày (vụ Thu Đông) phải bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1.

- Tưới nước: Sau khi trồng 2 - 3 ngày phải thường xuyên tưới giữ ẩm. Sau mỗi đợt vun xới khoảng 2 - 3 ngày cần phải đưa nước vào rãnh để đảm bảo đủ độ ẩm cần thiết. Khi khô hạn có thể tưới tràn ½ - 1/3 rãnh luống, và giữ ẩm thường xuyên nhưng không được để nước liên tục ở rãnh.

6. Phòng trừ sâu bệnh: Khoai lang rất ít sâu bệnh, tuy nhiên có một số sâu bệnh hại chủ yếu sau:

- Sâu ăn lá (Caterpillar) như Sâu khoang

 Biện pháp phòng trừ: Bắt bằng tay hoặc dùng Marshal 200 SC phun nồng độ 0,2% hoặc dùng Sherpa phun nồng độ 0,2 - 0,3% phun ngay khi sâu mới xuất hiện.

- Bọ hà: Còn gọi sùng hà (Cylas formicarius): Bọ hà gây hại trên thân cây và củ, chủ yếu là gây hại trên củ làm cho củ khoai lang đắng và có mùi rất khó chịu, người và gia súc đều không thể ăn được. Bọ hà phát triển mạnh ở những ruộng làm luống trồng khoai lang thấp, vun không che kín củ đất cao, thiếu nước hoặc trồng liên tục nhiều vụ.

Biện pháp phòng trừ: Đây là đối tượng khó trừ gây hại cả ở trên đồng ruộng, cả trong bảo quản sau thu hoạch do vật cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Vun cao sau trồng 15 - 25 ngày và giữ ẩm. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (trên đất trồng lúa). Dùng bẫy bả bằng cách cắt nhỏ củ khoai lang rải đều xung quang ruộng khoai thời kỳ đang xuống củ (80 - 120 ngày sau trồng tuỳ theo vụ) hoặc ngoài khu bảo quản để nhử bọ trưởng thành đẻ trứng vào, sau đó thu bẫy diệt sâu non.

Lưu ý: Ở những chân ruộng trồng khoai lang thường có bọ hà dùng thuốc hóa học Basudin 10H rắc vào rạch trước khi trồng hoặc rắc sau khi trồng 45-50 ngày với lượng 01 kg/sào. Nhúng dây giống trước khi trồng vào dung dịch Trebon 0.1% cũng hạn chế sự xâm nhập của bọ hà.

- Bệnh ghẻ (Scab): Là loại bệnh rất nguy hiểm hại trên thân lá cây khoai lang, thường xuất hiện khi thời tiết nóng ấm và khô, bệnh lây lan rất nhanh nếu gặp điều kiện thuận lợi. Ruộng khoai lang bị bệnh nặng ảnh hưởng lớn đến năng suất thân lá không thể sử dụng làm rau ăn cho người và làm thức ăn cho gia súc. Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Phát hiện kịp thời và nhổ bỏ cây bệnh. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (tốt nhất là trên đất trồng lúa). Có thể sử dụng thuốc BellKute 40EC phun nồng độ 0.2% khi bệnh mới xuất hiện.

7. Thu hoạch và bảo quản

Vụ Thu Đông sau trồng trên 120 ngày, vụ Xuân hè sau trồng khoảng 150 ngày trở lên khi thấy một số lá gốc đã ngả màu vàng là có thể thu hoạch được. Củ tươi sau khi thu hoạch về loại bỏ sạch đất cát, phân loại theo mục đích sử dụng. Nếu bảo quản củ tươi để ăn lâu dài thì tiến hành cất giữ và bảo quản như sau: Xếp đứng củ 1 - 2 lớp, để nơi khô ráo, thoáng mát, phương pháp này có thể bảo quản được 3 - 4 tháng. Hoặc trong nhà ấm 30 – 350C. Thường xuyên kiểm tra để loại bỏ củ thối. Trong quá trình bảo quản củ cần chú ý kiểm tra sự xuất hiện của bọ hà, dùng bẫy bả để diệt bọ trưởng thành và sâu non.

Theo khuyenongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com