Lưu ý khi nuôi vịt thịt trên cạn

07:43, 04/09/2024

Về chuồng trại

 - Chọn địa điểm làm chuồng cao ráo, độ dốc vừa phải. Khu vực làm chuồng yên tĩnh, đảm bảo thuận tiện vệ sinh. Chuồng phải thoáng mát sạch sẽ, khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa. Hướng xây dựng chuồng tốt nhất là hướng Đông để có thể đón ánh nắng buổi sáng và tránh ánh nắng gay gắt vào buổi chiều.

- Nuôi vịt thịt trên cạn có thể sử dụng kiểu chuồng nuôi trực tiếp trên nền đệm lót hoặc kiểu chuồng nuôi trên sàn, diện tích chuồng phù hợp với quy mô và đảm bảo mật độ theo từng lứa tuổi (vịt từ  0 - 2 tuần tuổi 22 con/m2 nền chuồng; vịt từ 2 - 3 tuần tuổi 12 con/m2 nền chuồng; vịt từ 4 - 6 tuần tuổi 6 - 8 con/m2 nền chuồng; vịt từ 7- 8 tuần tuổi 4 - 5 con/m2 nền chuồng). Tuy nhiên nuôi trên sàn có nhiều lợi thế hơn như thuận tiện cho việc vệ sinh, chuồng nuôi sạch sẽ, vịt không tiếp xúc trực tiếp với phân và chất độn chuồng nên ít bị thối lông bụng, lớn nhanh, đẹp mã, có thể nuôi với mật độ cao hơn. Sàn nuôi vịt có thể lựa chọn sàn nhựa cứng, lưới nhựa, lưới kim loại,… cần chú ý về độ nhám mặt sàn để chống trơn trượt, với sàn lưới cần chú ý kích thước các mắt lưới, không quá nhỏ vì sẽ khó lọt phân, không quá to vì vịt có thể bị dắt chân, dắt mỏ vào mắt lưới, kích thước mắt lưới phù hợp là 1x1cm. Độ cao của sàn so với mặt nền bê tông đảm bảo lớn hơn 50 cm, nền chuồng nên láng xi măng nhẵn, độ dốc 3% để đảm bảo thoát nước tốt.

Về con giống

Lựa chọn con giống của các cơ sở sản xuất uy tín, con giống đảm bảo chất lượng và có đủ giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Kiểu hình: Lông bông, bụng gọn, rốn kín, vận động nhanh nhẹn,…

Ưu tiên các giống vịt cao sản để thời gian nuôi ngắn mà vẫn đảm bảo được trọng lượng xuất bán, như vịt Super M, Cherry, Grimaud,…

Thức ăn nước uống

Đối với vịt thịt nuôi cạn thức ăn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng, tốt nhất là sử dụng thức ăn viên công nghiệp đúng chủng loại theo từng giai đoạn phát triển của đàn vịt (Giai đoạn vịt con 1 – 28 ngày tuổi, protein thô chiếm khoảng 22%, năng lượng trao đổi 3.000 Kcal/kg TA. Giai đoạn 29 – 56 ngày, protein thô chiếm 17 - 18%, năng lượng trao đổi đảm bảo 3.100 Kcal/kg TA).

Nước uống: Cung cấp đầy đủ nước sạch, mát cho đàn vịt uống. Máng uống của vịt cần bố trí đủ số lượng và thuận tiện để vịt dễ dàng uống nước tự do.

Chăm sóc nuôi dưỡng

- Vịt thịt được nuôi hoàn toàn trên cạn nên cho ăn tự do, tốt nhất là dùng máng ăn tự động, cho vịt mỗi ngày mỗi lần, hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn dư thừa, thiếu để điều chỉnh cho hợp lý. Để lượng thức ăn thừa nhiều trong máng không có lợi do thức ăn cũ dễ nảy sinh nấm mốc, vỡ nát, … khiến vịt ăn ít, dễ bị bệnh. Đối với mô hình nuôi vịt thịt trên cạn luôn phải bảo đảm được vịt ăn lượng thức ăn nhiều nhất để đạt tốc độ tăng khối lượng nhanh nhất, thời gian nuôi ngắn nhất, đó là một trong những biện pháp giảm giá thành sản phẩm.

- Vịt nuôi trên cạn cần đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh dọn dẹp phân, chất thải. Đối với chuồng nuôi sàn cần xịt rửa 2 – 3 lần/ngày để loại bỏ phân trên sàn và nền chuồng, sau đó cần thoát nước toàn bộ nền, không nên để nước thải ngâm trên nền chuồng dễ gây ô nhiễm về mùi, làm tăng nhiệt độ và ẩm độ, khó kiểm soát mầm bệnh. Với đàn vịt nuôi trên nền cần thường xuyên thay mới chất độn chuồng, bổ sung chế phẩm sinh học để tăng phân huỷ phân, quét dọn thu gom lông, rác thải trên nền chuồng, sân chơi.

- Đối với vịt nuôi trên nền cần bố trí bể tắm cho vịt hoặc ao hồ để vịt bôi lội và tắm chải lông; nếu dùng bể tắm cần thay nước thường xuyên, nếu thả vịt trong ao hồ thì định kỳ té nước vôi trong trên khắp bề mặt ao hồ để xử lý mầm bệnh và độ trong ao hồ. Vịt thịt nuôi trên cạn hoàn toàn không được bơi lội trong nước nên cần đặc biệt chú ý công tác chống nóng cho đàn vịt. Vào mùa hè cần trang bị thêm hệ thống làm mát như quạt gió, bơm nước mái, giàn mát, …

Phòng bệnh

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vịt theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Người chăn nuôi có thể tham khảo lịch vắc xin phòng bệnh như sau:

- Khi thời tiết thay đổi, vịt gặp các tác nhân gây Stress như chuyển chuồng, làm vắc xin, … cần chủ động sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bổ trợ để phòng bệnh cho toàn đàn.

- Hàng ngày vệ sinh dọn dẹp chuồng trại, khu vực chăn nuôi. Định kỳ tiêu độc khử trùng bằng các hoá chất như vôi bột, Iodine, Benkocid, …

Theo khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com