Nước tưới và dặm tỉa
- Nước tưới:
Điều tiết nước hợp lý theo công thức “Nông - Lộ - Phơi” xen kẽ. Giai đoạn lúa mới cấy cần giữ mực nước nông thường xuyên để cho luá nhanh bén rễ hồi xanh, tăng khả năng chống nóng cho cây, tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón, đồng thời hạn chế cỏ dại và lúa cỏ phát triển. Giai đoạn lúa đẻ nhánh giữ mực nước xăm xắp mặt ruộng để cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung. Giai đoạn cuối đẻ nhánh, rút cạn nước để nứt nẻ chân chim từ 5-7 ngày, hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu và giúp cứng cây, hạn chế sâu bệnh, rễ ăn sâu tăng khả năng chống đổ cho lúa. Khi lúa đứng cái làm đòng đến chín đỏ đuôi cần giữ mực nước nông trên ruộng.
Lúa gieo thẳng: Sau gieo chỉ giữ ẩm mặt ruộng (tức là mặt ruộng ẩm, rãnh trong ruộng có nước) để lúa nhanh mọc và rễ khỏe. Khi lúa gieo thẳng được 2- 2,5 lá thật đưa nước vào láng chân và bón nhử 2kg Urê/ sào, sau đó tiến hành chăm sóc như lúa cấy. Thời tiết nắng nóng, nếu ruộng khô nẻ, khi lúa đạt 1-1,5 lá có thể đưa nước vào láng chân, ngấm đủ ẩm và tháo đi ngay.
- Dặm tỉa: Tiến hành dặm tỉa càng sớm càng tốt trên những diện tích mất khoảng lớn để đảm bảo mật độ 25-30 khóm/m2 (tùy từng giống đối với lúa cấy), 90-100 cây/m2 (đối với lúa gieo thẳng).
Bón phân
Để hạn chế phân bị rửa trôi và bay hơi, giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, chống đổ tốt và hạn chế bệnh bạc lá, với phương châm chăm bón lúa mùa là: “Bón lót sâu, thúc sớm, bón cân đối NPK”, không sử dụng phân đơn.
Vụ mùa, từ khi cấy đến khi cây lúa bắt đầu làm đòng khoảng 30-35 ngày tùy từng giống, nên nếu bón phân quá muộn, lúa tốt muộn dễ gây hiện tượng bị bạc lá và đẻ nhánh lai rai.
Phân thúc: Chỉ bón thúc 1 lần, bón sớm, ngay khi cây bén rễ hồi xanh. Tốt nhất là bón sau cấy 5-7 ngày, chậm nhất không quá 10 ngày.
Nên sử dụng phân NPK chuyên thúc cho lúa có hàm lượng đạm và kali cao như phân có tỷ lệ: 17:5:16; 12:5:10… bón 10-12kg/sào, hay các loại phân dùng bón cả lót và thúc như phân có tỷ lệ 16:16:8; 16:8:9 .... bón từ 7-8 kg/sào. Bón xong kết hợp tỉa dặm để dùa đục nước tăng khả năng hấp thụ phân bón. Nên bón phân lúc chiều mát và khi mực nước láng mặt ruộng để hạn chế mất phân do bay hơi.
Khi lúa bước vào giai đoạn đứng cái, tùy tình hình sinh trưởng của cây, chân đất và điều kiện thời tiết, có thể bón bổ sung 3-5 kg Kali hoặc NPK có hàm lượng Kali cao.
Phòng trừ sâu bệnh
Cần tiếp tục kiểm tra phòng trừ ốc bươu vàng kịp thời, đặc biệt là trên các chân trũng và sau các trận mưa lớn, tăng cường các biện pháp thủ công như thu bắt trứng ốc và ốc trưởng thành trên các bờ mương, bờ máng, bờ ruộng; chăng lưới mắt nhỏ ở đầu các kênh dẫn nước vào ruộng.
Vụ mùa cần lưu ý phòng bệnh bạc lá lúa. Bệnh gây hại làm lá lúa bị cháy, sẽ làm giảm khả năng quang hợp, giảm năng suất lúa. Đây là bệnh dễ phát sinh trên các giống chất lượng (BT7, T10…), một số giống lúa lai, và chủ yếu phát sinh ở những chân ruộng trũng hẩu, bón phân không cân đối và bón muộn. Bệnh bạc lá vẫn chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu sử dụng biện pháp phòng là chính. Do vậy để hạn chế bệnh bà con cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: Làm đất xử lý rơm rạ thối ngấu trước khi gieo cấy, chọn giống kháng hoặc nhiễm nhẹ với bệnh bạc lá, sử dụng phân NPK chuyên dùng, không bón đạm đơn, không bón phân lai rai. Khi lúa có đòng, sau các trận mưa to, chủ động sử dụng các thuốc phun phòng cho các giống nhiễm như: Kasumin 2SL, Staner 20WP, Xanthomix 20WP… phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Bà con cần thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin