Kỹ thuật làm mạ khay cấy máy

07:52, 26/06/2024

1. Chuẩn bị đất (giá thể gieo mạ)

- Lựa chọn đất: Tốt nhất nên lấy đất ải, không dùng đất ở ruộng hoa màu. Đất phải có khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng. Nên trộn thêm các phụ liệu khác (như tro mục, trấu xay, xơ dừa xay nhỏ, bã nấm, phân chuồng hoai mục….) vào đất để tăng độ tơi xốp và giúp bộ rễ phát triển tốt. Tỷ lệ khoảng 5 thúng đất bột + 2 thúng phụ liệu khác.

- Thu gom và làm khô đất: Chủ động lượng đất nhiều hơn nhu cầu thực tế để dự phòng. Phơi khô hoàn toàn ở nơi khô ráo và thông gió tốt. Lượng đất cần khoảng 1,5 thúng giá thể/1 sào mạ cấy (tương đương khoảng 20-25 kg/sào). 

- Sàng đất: Làm nhỏ để giảm kích cỡ hạt đất và sàng đất nhằm loại bỏ đất to hoặc các tạp chất to như đá, sỏi, rễ cây lẫn trong đất. Tốt nhất, sử dụng lưới sàng có mắt lưới vuông từ 4-6 mm để sàng lọc.

- Trộn phân bón và các chất cần thiết: Sử dụng phân bón dạng bột để trộn, nếu phân hạt to cần nghiền nhỏ rồi tiến hành trộn. Nên dùng phân vi sinh hoặc NPK chuyên dùng và loại dễ tan.

Căn cứ vào thành phần dinh dưỡng của đất nguyên liệu, mùa vụ làm mạ để có công thức trộn phân bón cho phù hợp, lượng phân trộn cho 1 m3 đất:

+ Phân đơn: 1,0-1,2 kg đạm urê + 1,0-1,2 kg Kali clorua + 10-15 kg Lân supe

+ Nếu sử dụng NPK Việt Nhật 16-16-8, trộn khoảng 3 – 5kg/1m3 đất.

2. Chuẩn bị giống

Nên sử dụng giống cấp xác nhận của các công ty có uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật, có độ nảy mầm tốt. Không nên sử dụng giống tự để.

Lượng giống: Tùy từng giống hạt to hoặc hạt nhỏ, tùy khả năng đẻ nhánh, khả năng thâm canh của mỗi giống,… lúa lai khoảng 0,8-1 kg, lúa thuần 1,2 -1,5 kg.

Ngâm ủ hạt giống: Tiến hành ngâm ủ bình thường như đối với cấy tay, tuy nhiên, do mạ gieo để cấy máy mật độ dày nên yêu cầu phải đảm bảo đúng kỹ thuật. Cứ ngày ngâm, đêm vớt lên để ráo nước, khi mộng gai dứa tiến hành gieo ngay. Nếu rễ và mầm quá dài khó gieo, không bảo đảm mật độ.

Lưu ý: Trước khi gieo cần để hạt ráo nước, không dính bết vào nhau, giúp hạt ra đều.

3. Chuẩn bị khay và gieo hạt

Khay gieo hạt là khay nhựa chuyên dụng có bán ngoài thị trường. Máy cấy mật độ trung bình 26 - 28 khóm/m2, cần 7 - 8 khay/sào, tùy giống hạt to hay hạt nhỏ, chân ruộng vàn cao hay vàn trung bình.

Công đoạn gieo hạt có thể gieo thủ công hoặc hiện nay đã có máy gieo tự động. Tất cả các công đoạn đều được điều chỉnh trên máy (rải đất, rải hạt giống, tưới nước, phủ kín hạt). Nếu gieo tay, chú ý: rải 1 lớp đất dày khoảng 1,5cm sau đó tưới ướt đẫm bằng nước sạch rồi gieo hạt, mỗi khay gieo khoảng 0,2-0,25 kg mộng mạ, gieo đi gieo lại cho đều và chú ý gieo ở các mép khay. Gieo xong, tưới đẫm lại lẫn nữa, để ráo nước, rồi phủ kín hạt bằng lớp đất bột mịn.

4. Chăm sóc

Sau khi gieo mạ vào khay, xếp chồng các khay lên nhau để ủ cho đến khi mầm hạt giống nhô lên khỏi mặt đất phủ khoảng 0,5 - 1 cm (mạ mũi chông) thì rải khay ra bề mặt phẳng, có đủ ánh sáng mặt trời (ở vụ mùa, thường sau gieo khoảng 1 ngày đêm là mạ lên mũi chông). Nên rải khay mạ theo từng luống để tiện chăm sóc.

Hàng ngày cần tưới nước bổ sung, nên tưới bằng ô doa hoặc tưới dạng phun sương để tránh xô hạt và bí mặt đất hoặc có thể tưới rãnh để tự ngấm lên.

5. Đưa mạ ra ruộng cấy

Khi mạ được 2-3 lá là có thể cấy được, nên bố trí thời vụ gieo mạ và thời gian làm đất phù hợp, tuyệt đối không để mạ phải chờ ruộng, tốt nhất là làm ruộng trước khi cấy từ 1-2 ngày.

Ruộng cấy máy phải chủ động tưới tiêu, đảm bảo ruộng bằng phẳng, mực nước săm sắp mặt ruộng (xung quanh 2-3 cm), khi cấy cây mạ sẽ thẳng hàng và không bị nghiêng, đổ hoặc bị vùi sâu.

Chú ý bón đủ lượng phân lót trước lần bừa cấy hoặc ngay sau khi máy làm đất lên bờ.

Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 1-2 ngày nên phun phòng trừ rầy, nấm bệnh cho mạ và giữ đủ ẩm cho mạ trước khi cấy, không tưới đẫm.

Theo khuyennong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com