1. Bệnh đạo ôn
- Triệu chứng và tác hại
Nấm đạo ôn gây hại cây lúa ở các bộ phận phiến lá, bẹ lá, đốt lóng, cổ bông,.... Bệnh phát sinh gây hại trong điều kiện trời âm u, thiếu nắng, ẩm độ cao, ruộng lúa xanh tốt do bón nhiều đạm và bón không cân đối N-P-K.
+ Trên lá, vết bệnh ban đầu là chấm nhỏ màu xanh lục sau phát triển thành hình thoi có màu xám nhạt và cuối cùng là vết điển hình ở giữa màu xám bạc xung quanh có quầng vàng, bệnh nặng nhiều vết to kết lại làm lá lúa vàng cháy.
+ Trên cổ bông,... Nấm xâm nhập khi lúa vừa trỗ, vết bệnh ban đầu tái xanh sau đó cổ bông lúa bị khô thắt lại làm cho toàn bộ bông lúa bị khô trắng.
- Biện pháp phòng trừ
Đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát sinh nhanh trên diện rộng nên phải thường xuyên kiểm tra, dự báo và phòng trừ đúng thời điểm mới đạt hiệu quả cao.
+ Cần chủ động gieo cấy đúng mật độ, tăng cường bón phân chuồng hoai mục và bón cân đối lượng đạm, lân, kali.
+ Khi phát hiện bệnh mới phát sinh cần giữ mức nước ổn định và ngừng bón phân, sử dụng một trong các loại thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam như: Premi 25SL, Trizole 400SC; Nativo 750WG,... pha thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Khi phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, nếu bệnh nặng tiến hành phun kép 2 lần, phun lần 2 cách lần 1 từ 5 đến 7 ngày.
2. Rầy nâu và rầy lưng trắng
Rầy trưởng thành và rầy non chích hút nhựa cây lúa, làm cây khô héo, hạt và bông lúa bị lép đen một phần hoặc cả bông, cây lúa khô từ gốc lên ngọn thành từng đám gọi là cháy rầy. Đối với rầy lưng trắng, chúng còn là môi giới truyền virus gây bệnh lùn sọc đen hại lúa.
* Biện pháp phòng trừ:
Phát dọn cỏ bờ để hạn chế nơi trú ngụ của rầy. Thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nếu số lượng rầy có trên 750 con/m2 thì tiến hành phun thuốc. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Actador 100 WP, Bascide 50 EC; Nibas 50EC;… để phun trừ rầy.
Trước khi phun thuốc cần giữ mực nước ruộng từ 2-3cm, phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát và phun vào phần thân, gốc của cây lúa để tăng hiệu quả của thuốc. Nồng độ, liều lượng pha thuốc phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì; sau phun từ 3-5 ngày thì kiểm tra ruộng lúa nếu mật độ rầy vẫn cao thì tiến hành phun thuốc lần 2.
Đối với những ruộng lúa đang trỗ bông chỉ phun thuốc vào chiều mát để tránh ảnh hưởng đến phơi màu của lúa. Khi phun thuốc phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.
3. Chuột hại và biện pháp phòng trừ
+ Biện pháp sinh học
Khuyến khích các hộ nông dân nuôi mèo để diệt chuột. Nghiêm cấm săn bắt các động vật là thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú lợn...
+ Biện pháp thủ công
+ Dùng các loại bẫy kẹp, bẫy dính...; đặt bẫy nơi chuột thường qua lại để bắt, hoặc dùng nilon rào bao kín quanh ruộng, tạo lỗ thủng để chuột có lối đi vào rồi đặt bẫy lồng để bắt.
+ Biện pháp hoá học
Chỉ dùng thuốc hoá học trong trường hợp mật độ quần thể chuột cao và ưu tiên dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hóa học. Sử dụng các loại thuốc diệt chuột có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam như: Stom, Killrat, Cat 0,25 WP..., đặt mồi bả trước miệng hang hoặc nơi chuột thường qua lại cắn phá.
Lưu ý: Trước khi đặt bả phải thông báo cụ thể thời gian, địa điểm sử dụng cho các hộ quanh khu vực biết; đặt bả vào buổi chiều tối, sáng sớm phải thu hết bả và xác chuột đem chôn theo đúng quy định, tránh ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra cần chú ý các loại sâu, bệnh có thể phát sinh như: Sâu cuốn lá, sâu đục thân; bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,... gây hại trên cây lúa.
Theo khuyennongvn.gov.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin