Các biện pháp phòng tránh rét cho cây lúa và hoa màu

08:04, 24/01/2024

 Đối với việc gieo mạ

- Để kịp thời vụ lúa chiêm xuân, người dân thường phải gieo mạ từ tháng 11 - 12 âm lịch, thời điểm này là mưa rét kéo dài, chính vì vậy cần phải chống rét cho cây mạ để cây có thể phát triển khỏe mạnh.

- Phủ lên mặt luống mạ một lớp tro trấu hoặc rơm dạ để giúp mặt luống được giữ ấm.

- Luôn giữ ẩm cho luống mạ, không nên để luống mạ khô hạn. Khi nhiệt độ dưới 15oC vào ban đêm. Nên cho nước vào trong ruộng ngập 1/2 - 1/3 chân mạ, để giữ ấm cho cây mạ được khỏe mạnh, đến sáng thì nên rút cạn nước trong ruộng và phủ kín nilong lên trên mặt luống.

- Làm vòm che trên mặt luống, dùng thanh tre cắm ngang mặt luống mạ tạo thành vòm có đỉnh cao khoảng 40 - 50cm, dùng nilon che phủ trên mặt luống để giữ ấm cho mạ.

- Khi gặp thời tiết rét lạnh, không nên bón quá nhiều phân cho cây, đặc biệt là phân đạm, NPK sẽ khiến mạ bị sót và chết cây. Để cây có thể phát triển khỏe mạnh nên bón lót cho mạ bằng phân chuồng hoai mục và tăng cường bón thúc phân kali để giúp cây có thể tăng khả năng chống rét cho cây mạ.

Làm khum vòm phủ kín bằng nilon trắng giúp giữ ấm cho mạ. (ảnh minh họa)

- Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá, các chế phẩm sinh học phun cho mạ để tăng khả năng chống chịu rét cho mạ như: Kali Humate, Rong biển, Brassinolide, MKP,… giúp cây phát triển khỏe mạnh hơn và chống rét hiệu quả.

- Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC không nên gieo mạ những ngày này, để đảm bảo được cây mạ sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Hạt lúa đã nảy mầm chưa kịp gieo cần bảo quản thật tốt để tránh tình trạng bị khô mầm trước khi gieo. Cần bảo quản nơi ấm, có thể tủ rơm dạ lên hoặc bao tải dứa lên trên, tưới nước ấm cho mạ được tươi mầm.

- Đặc biệt khi đất cấy và mạ đã có thể cấy thì cần chú ý khi nhiệt độ dưới 13oC thì không nên cấy, giữ mạ lại khi nhiệt độ ấm mới nên cấy, để giúp mạ có thể nhanh thích nghi và bén rễ mới, hồi phục lại.

Chăm sóc cây lúa mới cấy và mạ gieo sạ trên ruộng

- Khi đã đặt cấy mạ dưới ruộng gặp thời tiết bất lợi như giá rét thì nên cho nước vào ruộng, để mực nước trong ruộng luôn ở mức 1/2 cây lúa, để giữ ấm cho cây lúa và bộ rễ cây.

- Đối với những ruộng gieo sạ thẳng thì không nên cho nước vào ruộng sẽ khiến cây mầm bị chết, lúc này nên rải đều tro bếp hoặc phân lân lên khắp ruộng để giữ ấm. Tuyệt đối không nên bón phân đạm, các loại phân bón lá cho cây vào những ngày rét đậm, rét hại.

- Khi thời tiết ấm trở lại (trên 18oC) lúc này nên tăng cường bón phân thúc cho cây như đạm, NPK và phân lân cho cây có thể sinh trưởng phát triển, thêm nước vào ruộng, kết hợp với sục bùn cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, giúp cây lúa nhanh đẻ nhánh.

Với cây hoa màu

- Để cây rau màu có thể phát triển khỏe mạnh, cây cho năng suất cao vào mùa rét thì người trồng cần hiểu tìm hiểu thời tiết nhiệt độ cho cây, khả năng thích ứng và tìm hiểu kỹ cây trồng phù hợp vào mùa.

- Đối với những cây rau màu đang trong thời kỳ cho thu hoạch, cần thu hoạch ngay cho cây, tránh cây bị gặp thời tiết lạnh quá làm ảnh hưởng đến cây trồng.

- Khi trồng cây rau màu vào vụ đông cần tìm hiểu kỹ các loại rau thích hợp trồng vào vụ, có khả năng chịu lạnh tốt. Khi trồng cây con xuống ruộng cần chú ý đến thời tiết, nên chọn những ngày nắng ấm, nhiệt độ trung bình trên 15oC. Sau khi trồng cây nên tưới nước thường xuyên, cung cấp nước đủ ẩm để giữ ấm cho cây rau. Kết hợp ủ gốc cho cây bằng rơm dạ hoặc trấu gạo hoặc tro bếp. Khi cây đã ổn định nên tưới phân kali và lân cho cây để giúp cây phục hồi.

- Cần kiểm tra, thăm đồng thường xuyên để nắm bắt được tình trạng của cây và tình hình sâu bệnh hại trên cây rau màu để kịp thời phòng và điều trị cho cây.

- Vào mùa đông thời tiết thường có sương muối, vì vậy người trồng cần có biện pháp che chắn cho cây rau hoặc sử lý ngay cho cây khi có hiện tượng sương muối xuống. Sử dụng vòi nước hoặc thùng ô doa dội cho lớp sương trôi, tan trên cả 2 mặt lá cây rau, càng sớm càng tốt, tránh tình trạng mặt trời lên chiếu xuống làm cháy lá.

- Đối với các giống rau ăn lá cần sử dụng lưới hoặc nilong trắng che phủ lên trên bề mặt và xung quanh luống rau để tránh mưa rét.

- Đối với cây lạc, đậu tương, ớt, ngô xuân chú ý không gieo trồng khi nhiệt độ thấp dưới 13oC cho dù thời vụ đã đến.

-  Tỉa thưa hợp lý cành, nhánh (nhất là đối với cây cà chua), làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sinh vật gây hại. Tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả (cà chua, bí đỏ…).

- Các loại rau màu như hành, ớt, cà chua, khoai tây xuân, bắp cải, su hào, súp lơ... khi thời tiết có rét đậm, rét hại cũng cần tưới đủ ẩm và phun chất tăng trưởng cho rau màu 5 - 10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét, sinh vật gây hại.

- Đối với những cây có thiệt hại do ảnh hưởng bởi thời tiết rét đậm, rét hại... cần thu gom, loại bỏ để trồng chám vào. Sử dụng các loại rau ngắn ngày, có khả năng chịu lạnh tốt để trồng.

- Những cây có khả năng phục hồi thì sử dụng phân NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh để tưới cho cây rau phục hồi và giữ ấm cho cây, che chắn cho cây. Không nên sử dụng phân đạm đơn để tưới cho cây làm ảnh hưởng ngược lại đến cây trồng.

Theo khuyennongvn.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com