Thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã cơ bản trồng 100% diện tích vụ đông đảm bảo theo kế hoạch. Từ đầu vụ đến nay, thời tiết hanh khô, ít mưa ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Song với kinh nghiệm lâu năm và nhạy bén trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng công nghệ tưới tiên tiến của bà con nông dân đã giúp cây trồng vẫn có đủ lượng nước để phát triển, hướng tới vụ đông thắng lợi.
Thu hoạch cà chua vụ đông sớm tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng). |
Vụ đông này, nhà bà Triệu Thị Mão, xóm 1 xã Nam Hoa (Nam Trực) trồng hơn 1 mẫu rau giống các loại xà lách, súp lơ, bắp cải, su hào… và một số loại rau ăn lá theo hình thức gối lứa. Sản xuất rau giống đòi hỏi kỹ thuật cao hơn và tốn nhiều công hơn, đặc biệt là việc tưới giữ ẩm cho cây phải thường xuyên nhưng phải rất cẩn thận để tránh cây con bị dập gãy. Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ tưới tiên tiến thì việc này đã không còn khó với bà con và còn giúp giảm được công lao động so với trước. Theo đó, người sản xuất đã đầu tư mua máy bơm, đường ống dẫn nước, sử dụng đầu béc để có thể điều chỉnh dạng hạt phun mưa, phun sương… Việc sử dụng công nghệ này đem lại nhiều ưu điểm như không tốn sức người, bớt được công lao động, nước được tưới theo dạng hạt nước nhỏ, mịn, nhẹ và đều từ lá đến thân, gốc cây, không gây hư hại, thấm sâu trong đất, giúp cây trồng thường xuyên đủ ẩm để sinh trưởng và phát triển tốt. “Với diện tích 1 mẫu, nếu tưới nước bằng phương pháp truyền thống thì rất mất thời gian và sức lực, mà tôi bị đau lưng, sức khỏe yếu cũng khó tưới thường xuyên được. Áp dụng cách này, giờ chỉ cần bật cầu dao điện là toàn bộ hệ thống dẫn nước hoạt động. Khoảng 20-25 phút có thể tưới xong toàn bộ diện tích rau với nền đất đủ độ ẩm. Vừa không vất vả lại tiết kiệm được chi phí, không phải làm phiền đến các thành viên trong gia đình”.
Hiện nay, tại các vùng sản xuất vụ đông trên các cánh đồng chuyên màu ở các xã Nam Dương (Nam Trực), Giao Phong (Giao Thủy), Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng), Yên Cường (Ý Yên)…, nhiều hộ nông dân đã trang bị hệ thống thiết bị bơm nước công suất nhỏ để chủ động tưới, tiêu bằng động lực, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh trưởng, phát triển và phòng chống úng, hạn cho cây trồng. Một số doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến như: tưới phun mưa, tưới phun sương, tưới phun rãnh, tưới nhỏ giọt theo các phương thức tự động, bán tự động, điều khiển từ xa… thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. Với những diện tích sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa, các địa phương đã quy hoạch gọn vùng để các Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi bơm nước tạo nguồn để các hộ nông dân chủ động dẫn nước về ruộng tưới.
Thực hiện Quyết định số 1788 ngày 9-5-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch hành động, phát triển tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chương trình hành động; chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung rà soát quy hoạch thủy lợi theo mục tiêu tái cơ cấu ngành trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, kết quả chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước qua các hội nghị, các buổi tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình tưới tiết kiệm nước cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Theo số liệu thống kê, tổng diện tích canh tác cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh trên 200 nghìn ha, trong đó có khoảng 700ha được một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tập trung chủ yếu ở sản xuất rau màu các loại, măng tây, hoa, cây cảnh… Mặc dù kỹ thuật tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm nước đã khẳng định được nhiều ưu điểm, hiệu quả sản xuất trong những năm qua, tuy nhiên việc nhân rộng trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi kinh phí lắp đặt hệ thống theo phương pháp này khá cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự ổn định, vẫn còn tình trạng “được mùa, mất giá” nên nông dân ngại đầu tư. Tỉnh chưa xây dựng được các vùng tập trung trồng cây chuyên canh có giá trị kinh tế cao, đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến để tiết kiệm nước có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Do vậy, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế khi thực hiện phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước. Tiếp tục duy trì, mở rộng, hỗ trợ và khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình chuyển đổi, ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống, đưa nhanh các giống cây trồng ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu cao, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và sản xuất. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất tạo quy mô diện tích sản xuất lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng... để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, thực hiện các giải pháp thâm canh và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin