Chọn giống là kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất mà bà con phải nắm được để đưa ra hướng chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, môi trường đặc thù nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi.
Hiện nay có 3 giống dê phổ biến được nhắc đến, bao gồm:
Dê Boer chuyên hướng thịt
Đây là giống dê phát triển mạnh ở Nam Phi. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ Hà Lan, Boer có nghĩa là “người nông dân”. Giống dê này bắt đầu được nuôi ở Việt Nam từ năm 2002.
Đặc điểm: Màu lông khá đặc trưng: lưng màu trắng, cũng có màu hơi nâu, vàng nhạt. Cổ, lưng, hai bên hông và phần trên đuôi của chúng có màu đen. Một số con có lông trắng chạy sọc trên mặt. Cơ bắp đầy đặn, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, tốt. Giống dê cái Boer cũng cho khá nhiều sữa, tuy nhiên chu kỳ sữa lại ngắn.
Trọng lượng: Là giống dê hướng thịt nên giống này có trọng lượng cao. Dê đực trưởng thành có thể đạt từ 100 - 160kg/ con, con cái trưởng thành có thể đạt từ 90 - 100kg/con.
Dê cái Boer mắn đẻ, có thể phối giống lần đầu vào 5 - 7 tháng tuổi, chu kỳ động đực sẽ kéo dài từ 18 - 21 ngày. Trung bình một con cái có thể đẻ được từ 2 - 3 con/ lứa.
Ảnh minh họa/Internet. |
Dê Bách Thảo chuyên dụng
Dê Bách Thảo là giống dê lai giữa dê cỏ địa phương và một số giống dê nhập. Vì vậy, chúng có khả năng thích nghi khá tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt đặc biệt là những vùng có khí hậu nắng nóng, nhiệt độ cao.
Đặc điểm: Đây là giống dê dễ nhận biết và có màu sắc tương đối đồng nhất là màu đen (chiếm 60% đàn) Trên mặt, dọc phần cổ, tai, chân, bụng có màu trắng. Mũi dô, đầu dài, tai cụp xuống, đa số là không có râu cằm.
Trọng lượng: Con được trưởng thành có thể đạt 75 - 80kg/ con, con cái trưởng thành đạt từ 40 - 45kg/ con.
Giống dê này có tỷ lệ thịt xẻ cao, đạt từ 40 - 45%, tỉ lệ thịt tinh đạt từ 30 - 35%.
Dê cỏ (dê địa phương)
Dê cỏ là giống dê địa phương được bà con chăn nuôi lâu đời và chủ yếu theo phương pháp quảng canh, chăn thả manh mún, nhỏ lẻ.
Dê không đồng nhất về màu lông. Một số màu chiếm ưu thế như màu đen, màu nâu, khoang đen trắng, màu trắng.
Dê địa phương có vóc dáng nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 40 - 44%, tỉ lệ thịt tinh đạt từ 28 - 30%.
Tuy nhiên vì sinh sống lâu đời nên giống này có thể thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng chống chịu bệnh tốt, thịt chắc khỏe. Vì vậy, các viện nghiên cứu đã sử dụng giống dê cỏ địa phương để nhân giống.
Dê Boer lai
Dê Boer thuần chủng có trọng lượng cơ thể cao, trong khi dê Bách Thảo lại thích nghi tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam, tỷ lệ thịt xẻ nhiều. Vì vậy, 2 giống này được lai tạo mang lại năng suất cao trong chăn nuôi.
Yêu cầu chung khi chọn giống:
Ngoài việc lựa chọn loại giống, trước khi nuôi, bà con cũng cần quan sát kỹ các con giống trong đàn, yêu cầu chung:
Chọn con giống nuôi có xuất xứ rõ ràng, có thể theo dõi được cặp bố mẹ thì càng tốt.
Không chọn những con có đặc điểm: cổ ngắn, bụng nhỏ, lông tai trụi, đầu dài, tứ chi không thẳng, đứng không chắc chắn.
Dê đực phải đạt tiêu chuẩn: thân hình cân đối, cơ quan sinh dục phát triển, chọn dê đực trong lứa sinh đôi.
Chọn dê cái hướng thịt phải có thân hình chữ nhật.
Dê cái hướng sữa phải có bộ phận sinh dục nở nang, hông rộng, hai núm vú dài từ 4 - 6cm.
Theo kythuatnongnghiep.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin