Đa lợi ích từ sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

07:55, 08/09/2023

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.

Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước trong ương cá lóc bông giống tại xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).
Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước trong ương cá lóc bông giống tại xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn. Điều này thể hiện ở chỗ, việc sử dụng các giống cây trồng mới lai tạo bằng nuôi cấy mô đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đồng đều, sạch bệnh, chất lượng và năng suất cao, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông sản. Anh Nguyễn Văn Thành, xã Hải Chính (Hải Hậu) đã thành công trong ứng dụng chế phẩm sinh học tạo ra các sản phẩm nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mèo (mộc nhĩ) với thành phẩm đạt tỷ lệ nuôi cấy trên 90%; sản phẩm được thị trường đón nhận bởi chất lượng cao, sạch. Từ thành công trên, anh Thành đã vận động thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời nghiên cứu chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ nấm như: rượu nấm, trà nấm. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn nấm sạch linh chi, 70 tấn nấm bào ngư, 30 tấn mộc nhĩ, 10 tấn nấm mỡ, 500 lít rượu nấm linh chi, 10 nghìn hộp trà linh chi…; doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng. Từ năm 2016, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp được xử lý bằng chế phẩm sinh học, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã sản xuất mỗi năm 90-100 tấn phân hữu cơ cung cấp cho hầu hết các doanh nghiệp, trang trại, HTX sản xuất rau sạch, rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) cho biết: “Qua 4 vụ sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất rau sạch, chúng tôi thấy kết quả khác biệt rõ rệt. Chi phí đầu tư phân bón bình quân trên đầu sào giảm 70-100 nghìn đồng, năng suất rau thì tăng 20-30%, sâu bệnh cũng giảm rõ rệt”.

Sử dụng chế phẩm sinh học còn là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Các HTX và người chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học để tạo ra vi sinh vật có ích giúp phân hủy chất thải chăn nuôi. Biện pháp này không chỉ giúp HTX, người chăn nuôi tiết kiệm chi phí nhân công mà còn có thể tiết kiệm tới 70% lượng trấu phải sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi và tác động tiêu cực đến môi trường không khí xung quanh khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học còn được sử dụng phối trộn vào thức ăn hữu cơ để phát triển đàn gia súc, gia cầm. Tại xã Xuân Ngọc (Xuân Trường), các hộ dân đã thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các hộ đã sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bổ sung vào trong khẩu phần ăn của lợn. Các chế phẩm này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ mô hình này, xã Xuân Ngọc đã xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn bền vững.

Nam Định có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích đất nuôi trên 17 nghìn ha. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn áp dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là nhiều hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã ứng dụng công nghệ vi sinh biofloc; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể xi măng; áp dụng quy trình tầm soát vi khuẩn gây bệnh, quy trình công nghệ xử lý nước nuôi tôm tuần hoàn… mang tính đột phá để phát triển nghề nuôi tôm ổn định, hiệu quả trước dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy) cho biết: “Nuôi tôm theo công nghệ vi sinh giảm chi phí so với hóa chất, môi trường bền vững hơn mà con tôm phát triển nhanh hơn. Sử dụng hóa chất sẽ để lại tồn dư và nếu dùng trong một năm thì năm sau không thể nuôi được nữa nhưng sử dụng chế phẩm sinh học tạo ra sức bền cho môi trường và khắc phục được điều này”.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học đã mang lại hiệu quả cao rõ rệt, được nông dân ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cơ sở sản xuất về sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Mục tiêu của tỉnh xác định rõ là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, việc thu hút các HTX đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng chế phẩm sinh học đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng các mô hình HTX điểm để người dân học tập, ứng dụng, nhân rộng mô hình. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, các chất tăng trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com