Chuẩn bị đất trồng lúa vụ hè thu
Sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, đất còn tồn đọng các mầm mống sâu bệnh và hóa chất từ mùa vụ trước. Để đảm bảo sinh trưởng lúa vụ hè thu được tốt, cần tiến hành vệ sinh và làm đất kỹ. Các bước tiến hành bao gồm:
Cắt ngắn rạ và đánh đều, phơi ruộng khoảng 1 ngày nắng và tiến hành đốt rơm để diệt các mầm sâu bệnh hại. Tro rơm có chứa nhiều khoáng chất tự nhiên, như Ca, Silic, kali, lân và một số chất vi lượng khác, có thể cung cấp cho lúa vụ sau. Hoặc ưu tiên sử dụng chế phẩm vi sinh vật Emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viên NN Việt Nam để xử lý rơm rạ nhằm bồi bổ mùn hữu cơ và các vi sinh vật có lợi, khôi phục trạng thái màu mỡ sau thời gian bị tác động bởi phân, thuốc hóa học.
Cày xới đất đúng kỹ thuật để đất ruộng tơi xốp và tro rơm được hòa trộn đều với đất. Sau đó, phơi đất từ 7 đến 10 ngày để sâu bọ trong đất diệt trừ triệt để.
Cho nước vào ruộng, băm đất, trang đất kết hợp san bằng đất ruộng và đánh gò thoát nước để thực hiện xuống giống.
Chọn hạt giống và gieo sạ
Chọn hạt giống: Bà con sử dụng các loại giống chủ lực có khung thời gian sinh trưởng từ 100-110 ngày gồm: Khang Dân 18, Khang dân đột biến, Bắc Thịnh, BT09, Nếp 98, Thiên ưu 8, BQ, HT1, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai, RVT, Nhị ưu 38, Thái Xuyên 111. Đây là nhóm giống chủ lực được ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cơ cấu sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh.
Cách ngâm ủ hạt giống: Do giống vụ hè thu được sản xuất từ vụ đông xuân nên hạt lúa giống vẫn còn ở trạng thái miên trạng. Do đó bà con nên chú ý cách ngâm lúa giống vụ hè thu, nên xử lý giống với dung dịch acid HNO3 68% ở liều lượng 5 – 7cc cho 1 kg lúa giống trong thời gian 24 – 30 giờ ở giai đoạn ngâm giống, cứ 6-8 giờ đãi sạch bằng thúng, rá,…
Sau khi đổ lúa vào bồn ngâm bà con cần vớt hết những hạt lúa lép ra để loại bớt mầm bệnh lây lan. Thời gian ngâm hạt giống từ 30 – 36 giờ, sau đó xả bỏ nước và rửa sạch lại bằng nước sạch sao cho hạt giống hết mùi chua rồi đem ủ. Sau 30 – 36 giờ ủ hạt là có thể đem gieo sạ tùy theo công cụ gieo sạ.
Mật độ gieo sạ tốt nhất: khoảng 120 – 130 kg/ha. Lưu ý, trước khi ngâm ủ 3 – 5 ngày phải lấy mẫu đại diện cho số lượng giống cần để thử tỷ lệ nảy mầm, lúa mọc mầm trên 80% thì đạt yêu cầu gieo sạ. Tốt nhất theo từng loại giống lúa bà con có thể gieo cấy, gieo sạ theo tập quán canh tác tiên tiến của địa phương và mùa vụ và từng chân đất.
Kỹ thuật chăm sóc lúa vụ hè thu
Điều tiết mực nước
Để điều tiết mực nước hợp lý và giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung, cần tháo bớt nước ở các chân đất đọng nước. Đối với các chân đất cao, cần cho nước vào sao cho mực nước trên ruộng khoảng 2-3 cm để gốc lúa tiếp xúc với ánh sáng, giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe và tạo ra nhiều nhánh hữu hiệu cho bông to và nhiều hạt.
Tuy nhiên, nếu để ruộng khô nước hoặc nước quá nhiều đều ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh. Khi cây lúa đã đẻ nhánh kín khắp mặt ruộng sau khoảng 30 – 32 ngày gieo hoặc sau 23 – 25 ngày cấy, cần tháo cạn nước để phơi ruộng và hạn chế phát triển các nhánh nhỏ không cho bông. Sau đó, trong 5-7 ngày (khi lúa chuẩn bị làm đòng), có thể cho nước vào để bón phân thúc đòng.
Quy trình bón phân cho vụ lúa hè thu
Để đạt được năng suất cao nhất, việc bón phân và chăm sóc lúa vụ hè thu rất quan trọng:
Đầu tiên, giai đoạn bón lót cho cây lúa cần được thực hiện đúng cách. Sau đó, trong giai đoạn bón sau sạ cho lúa từ 7-10 ngày, nên sử dụng phân bón NPK Lâm Thao để đảm bảo rằng cây lúa được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Bón 300-350kg phân chuồng/500m2, 20-25kg/500m2 NPK 5:10:3
Giai đoạn bón thúc đẻ nhánh cũng rất quan trọng. Lúa cần nhiều đạm và lân, do đó nên dùng phân bón NPK 12:5:10 12-14kg/500m2 hoặc NPK 16-8-16 11-12kg/500m2
Trong giai đoạn bón đòng, có thể sử dụng phân NPK 12:5:10 hoặc 16:8:16 với lượng bón từ 09-12 kg/500m2 để đáp ứng nhu cầu cao về lượng đạm và kali cho lúa trong giai đoạn này.
Phòng trừ sâu bệnh
Việc phòng trừ sâu bệnh là rất quan trọng trong chăm sóc lúa vụ hè thu. Bà con nông dân cần thường xuyên tiến hành kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh gây hại, như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu và bệnh khô vằn. Để phòng trừ tốt các loại sâu bệnh này, bà con nông dân cần chuẩn bị phương pháp phòng chống các loại sâu bệnh thông qua khuyến cáo của Trung tâm Chuyển giao KHKT các huyện để biết mà phòng trừ kịp thời.
Cách phòng bệnh tốt nhất là bà con nông dân nên thường xuyên đi thăm đồng, kiểm tra ruộng để chủ động phát hiện sâu bệnh và phòng trừ ngay, phòng trừ càng sớm càng tốt. Tất cả các loại thuốc trước khi phun nên được thực hiện theo hướng dẫn có ghi ở ngoài bao bì để hạn chế thấp nhất sai sót.
Những lưu ý quan trọng khi canh tác lúa vụ hè thu để đạt năng suất cao
Việc chăm sóc lúa vụ hè thu và phòng trừ sâu bệnh đúng cách là rất quan trọng để đạt được năng suất cao nhất cho lúa. Ngoài ra, bà con nông dân cũng cần lưu ý các phát sinh trong quá trình canh tác để đảm bảo sản lượng và chất lượng lúa tốt nhất như:
Căn cứ vào đặc điểm đất đai, đặc tính, tiềm năng năng suất của từng giống lúa để đầu tư đảm bảo yêu cầu của quy trình kỹ thuật thâm canh. Trong vụ hè thu, thực hiện nguyên tắc bón “Nặng đầu, nhẹ cuối”, cân đối giữa phân đa lượng với nhóm vi lượng; khuyến khích sử dụng phân tổng hợp NPK, hạn chế sử dụng phân đơn, kết hợp bổ sung phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh để bồi dục đất canh tác. Bón vôi sau khi thu hoạch hoặc khi làm đất lần đầu, bón toàn bộ phân chuồng, lân, phân NPK hoặc phân đơn đạm, kaly (theo quy trình) rồi tiến hành làm đất trước lúa gieo cấy. Bón cân đối để hạn chế sâu bệnh hại, trong thời gian sinh trưởng lúa có thể sử dụng thêm các chế phẩm phân vi lượng bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng.
Khuyến khích áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến như SRI, ICM,...(cấy mạ non, cấy ít dảnh, cấy thưa,…). Chỉ gieo thẳng lúa ở những vùng có điều kiện chủ động tưới tiêu và kinh nghiệm, gieo thưa tiết kiệm giống vừa dễ chăm sóc. Vùng cấy áp dụng các hình thức làm mạ như: mạ dược, mạ khay,…
Theo khuyennongvn.gov.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin