Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Mô hình đào tạo nghề Điện Công nghiệp của Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. |
Toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 60% dân số. Hàng năm có từ 8-10 nghìn người bước vào độ tuổi lao động. Nhìn chung, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như đầu tư vào giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học hỏi và nâng cao kỹ năng, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, tạo ra môi trường làm việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 14 trung tâm GDNN và 6 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, phân bổ ở các huyện, thành phố, với quy mô đào tạo đạt 35.200 người/năm, đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Các cơ sở GDNN được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tương đối đồng bộ. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thường xuyên được tỉnh quan tâm, bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng với 1.500 giáo viên dạy nghề, trong đó: trên 30% giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 57% giáo viên có trình độ đại học; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm, có trình độ kỹ năng nghề đảm nhiệm dạy thực hành và tích hợp. Ngoài ra, các cơ sở GDNN thường xuyên ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên của các trường đại học, cán bộ khoa học của các trung tâm khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, phòng nông nghiệp các huyện, các nghệ nhân tại các làng nghề La Xuyên, Tống Xá (Ý Yên), Hải Minh (Hải Hậu), Vân Chàng, Nam Giang (Nam Trực)... tham gia dạy nghề cho người lao động.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo trên 120 ngành nghề các lĩnh vực: kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, nông nghiệp, nghệ thuật, thương mại, du lịch, y tế, kế toán, thông tin, giao thông vận tải... ở cả 3 cấp trình độ. Trong đó, 31 ngành nghề thế mạnh của tỉnh được Bộ LĐ-TB và XH đầu tư là ngành nghề trọng điểm (gồm: 6 ngành nghề cấp độ quốc tế; 5 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN; 20 ngành nghề cấp độ quốc gia) với quy mô đào tạo khoảng 2.000 người/năm. Hàng năm, các cơ sở đều rà soát, đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, tăng cường công tác biên soạn đề cương bài giảng, giáo trình phù hợp với đối tượng người học. Tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; duy trì thường xuyên hoạt động dự giờ, tổ chức hội giảng cấp khoa, cấp trường và tích cực tham gia hội giảng cấp tỉnh. Để học viên khi tốt nghiệp ra trường nhanh chóng tiếp cận với thực tế, các trường luôn quan tâm đến các điều kiện thực hành, thực tập của học sinh; trang bị cho người học có kỹ năng thành thạo và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85%. Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, có quy mô đào tạo 4.800 học sinh, sinh viên, đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) đối với các ngành nghề thế mạnh của tỉnh như: May, Cơ khí chế tạo, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin - truyền thông, Kỹ thuật nông nghiệp... đã góp phần thực hiện Chiến lược quy hoạch, xây dựng nền kinh tế tỉnh Nam Định phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Quyết định 2341/QĐ-TTg ngày 2/12/2018 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định và Trường Cao đẳng nghề số 20 (thuộc Bộ Quốc phòng) trên địa bàn tỉnh là 2 trường được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung Đề án Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025.
Kết quả đào tạo của các cơ sở GDNN đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh, hiện nay ước đạt 77%. Tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85%, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, thu nhập lao động nông thôn tăng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu kinh tế trọng điểm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Hiện nay, tỉnh Nam Định đang phát triển nhanh kinh tế - xã hội, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 30/10/2023 thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 10/7/2023 của Ban TVTU về việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc học nghề, tầm quan trọng của kỹ năng lao động và cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GDNN. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Gắn GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học và đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật về làm việc, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin