Phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) thành một hệ sinh thái đã và đang được các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai. Đến nay, tỉnh đã ghi dấu ấn trong bản đồ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia với các lĩnh vực có liên quan của hệ sinh thái này không ngừng phát triển đa dạng, đồng bộ và ngày càng khởi sắc.
![]() |
Anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông khởi nghiệp thành công với các sản phẩm từ tổ yến. |
Nhằm thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST phát triển, trên cơ sở Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày18/5/2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai hoạt động KNĐMST. Trong đó, đáng chú ý là Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 20/12/2022 về “Xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (Kế hoạch 152) với 5 mục tiêu, 6 nội dung thực hiện được đề ra đã có tác động, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Bước đầu, hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh đã được hình thành với các thành phần cơ bản của một hệ sinh thái cũng như góp phần tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Để hệ sinh thái KNĐMST liên tục phát triển, thời gian qua tỉnh đã chú trọng tổ chức các sự kiện về KNĐMST. Hàng năm, tỉnh triển khai các hoạt động, sự kiện KNĐMST với quy mô lớn và thành phần tham dự đa dạng, tiêu biểu như: Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023 đã thu hút đông đảo các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh và trong khu vực tham dự trực tiếp. Chuỗi hoạt động thúc đẩy KNĐMST tổ chức vào cuối tháng 11/2023 với các cuộc hội thảo nhóm, hội thảo chuyên đề như: “KNĐMST tỉnh Nam Định - cơ hội, thách thức và giải pháp”, “Kết nối các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp”. Đặc biệt, vừa qua, Sở KH và CN đã tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KNĐMST Thành Nam 2024”. Mặc dù lần đầu tiên tổ chức song với việc tập trung đẩy mạnh truyền thông trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội, Cuộc thi đã thu hút nhiều ý tưởng, dự án KNĐMST thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, y tế - giáo dục, du lịch, tài chính... tham gia. Qua Cuộc thi, Sở KH và CN đã tổ chức nhiều đợt đào tạo chuyên sâu cho các Start-up (nhà khởi nghiệp), Founder (người sáng lập) của các ý tưởng, dự án về các kỹ năng cần có trong hành trình khởi nghiệp như kỹ năng hoàn thiện thuyết minh dự án, kỹ năng thuyết trình, xây dựng pitch deck, hoàn thiện mô hình kinh doanh… Các ý tưởng, dự án đạt kết quả cao trong Cuộc thi sẽ có cơ hội được lựa chọn để tiếp tục ươm tạo trong giai đoạn tiếp theo của Kế hoạch 152.
Các sự kiện được tổ chức thu hút đông đảo sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đam mê KNĐMST đã góp phần truyền thông, lan tỏa tinh thần KNĐMST trên địa bàn tỉnh. Ngoài các sự kiện kể trên, nhiều hoạt động khác liên quan đến hệ sinh thái KNĐMST cũng được Sở KH và CN tổ chức triển khai. Thông qua nhiệm vụ KH và CN “Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động KNĐMST và hình thành hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Sở KH và CN đã đào tạo chuyên sâu về KNĐMST cho 30 người là cán bộ của các cơ quan quản lý có liên quan đến hoạt động KNĐMST; giảng viên các trường đại học, cao đẳng; câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo”. Với những kiến thức được đào tạo, giúp cho các đối tượng có sự am hiểu về tham gia vận hành hệ sinh thái KNĐMST. Đây chính là nguồn nhân lực để tiếp tục lựa chọn cho việc đào tạo chuyên gia về KNĐMST trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, thực tế cho thấy để đào tạo đội ngũ chuyên gia về KNĐMST làm nòng cốt vận hành hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh là một bài toán khó từ nguồn lực tài chính đến lựa chọn đối tượng. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm tham gia và phát huy vai trò cá nhân sau đào tạo để có thể bước trên chặng đường dài một cách hiệu quả, phát triển hệ sinh thái KNĐMST cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Song song với những hoạt động trên, công tác truyền thông về KNĐMST luôn được Sở KH và CN cùng các sở, ngành có liên quan tích cực triển khai. Được vận hành từ tháng 8/2023 đến nay, Cổng thông tin điện tử KNĐMST của tỉnh với tên miền https://khoinghiepdmst.namdinh.gov.vn đã đăng tải hơn 200 tin, bài, video truyền thông theo các chủ đề riêng về KNĐMST của tỉnh một cách tổng quát, ngắn gọn, chính xác và nhanh nhất để người đọc có thể cập nhật theo dõi. Hiện fanpage “Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” trên Facebook cũng đang là cầu nối, cung cấp thông tin về các sự kiện, hoạt động KNĐMST, giới thiệu các Start-up điển hình của tỉnh. Ngoài ra, Sở KH và CN còn khai thác các nền tảng tiếp thị truyền thông mạng xã hội khác như YouTube, TikTok nhằm cung cấp thông tin về KNĐMST một cách đa dạng cả về hình thức và nội dung. Hiện tất cả các nền tảng có tới 100 nghìn lượt tương tác và truy cập, đang dần khẳng định trở thành điểm chia sẻ, kết nối và truyền thông vô cùng hiệu quả về nhiệm vụ KNĐMST đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đam mê tìm hiểu về KNĐMST của tỉnh. Qua đó thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và KNĐMST trong cộng đồng.
Với mục tiêu hình thành Trung tâm KNĐMST tỉnh, bước đầu, Sở KH và CN đã thúc đẩy hình thành, vận hành và duy trì 2 điểm hỗ trợ KNĐMST tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN và Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Tại các điểm hỗ trợ đã diễn ra các chương trình tư vấn, hội thảo về KNĐMST… thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, tạo điểm kết nối, sân chơi gặp gỡ cho các cá nhân, sinh viên đam mê KNĐMST. Đặc biệt, tháng 8/2024, Đoàn đại biểu lãnh đạo trẻ Việt Nam - Singapore đến thăm và làm việc tại điểm hỗ trợ KNĐMST của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Buổi gặp gỡ không chỉ là nơi học hỏi, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế, trong đó sinh viên có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu hoặc hợp tác với các đối tác nước ngoài, xây dựng mạng lưới kết nối toàn cầu. Đồng thời giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn, tiếp thêm động lực để theo đuổi con đường khởi nghiệp, sáng tạo dựa trên các xu hướng và cơ hội toàn cầu. Đây cũng là cơ hội giúp nhà trường thiết lập được các mối quan hệ hợp tác, nâng cao uy tín trong lĩnh vực đào tạo KNĐMST.
Nền móng đã vững, công cụ hỗ trợ đã có, thời gian tới, tỉnh tiếp tục kết nối và phát huy hiệu quả hoạt động của các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kết nối dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Tăng cường liên kết các mạng lưới ĐMST, mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước, hỗ trợ ươm tạo ý tưởng phát triển doanh nghiệp KNĐMST… từ đó hoàn thiện, phát triển hệ sinh thái KNĐMST tỉnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin