Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc nhằm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TMDV) tại Nam Định vẫn duy trì sức bật ấn tượng, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 78.080 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 4,775 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,9%, nhập khẩu tăng 25,8%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1.224 triệu USD, đóng góp chung vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Người dân xã Minh Tân (Vụ Bản) mua sắm tại siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. |
So với năm trước, hoạt động TMDV năm 2024 có nhiều yếu tốt bất lợi như: Thị trường có nhiều biến động, sức mua của người dân bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn; một số chính sách kích cầu được gia hạn muộn hơn như giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dẫn đến các tháng đầu năm sức mua trong nước thấp, tỷ lệ tồn kho cao và ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Trong bối cảnh đó, tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoạt động TMDV phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức một số hoạt động kích cầu tiêu dùng, quảng bá nông sản địa phương. Sở Công Thương ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh bảo đảm ổn định giá hàng hóa phục vụ nhân dân; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để cơ cấu hợp lý danh mục hàng hóa, xác định nhóm mặt hàng chủ lực phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại địa phương, kích cầu tiêu dùng cuối năm. Hàng hóa đa dạng, sức mua của người dân tăng, tập trung ở một số nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia dụng, dịch vụ vui chơi giải trí...
Năm 2024 cũng ghi nhận quá trình chuyển đổi số trong hoạt động TMDV diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực: du lịch, lữ hành; lưu trú, ăn uống; bán lẻ hàng hóa. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ thông qua thiết bị công nghệ và mạng internet. Một số đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số lĩnh vực TMDV của tỉnh như: Siêu thị Go! Nam Định, hệ thống siêu thị Vinmart+, siêu thị Điện máy xanh, Thế giới di động, FPT Shop, Tokyo Life, Yody, Ivy, Canifa. Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy, hoạt động TMDV phát triển mạnh ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 69.316 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng doanh thu và tăng 13,3% so với năm trước. Một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao: Ô tô con (dưới 9 chỗ) tăng 38,1%; lương thực, thực phẩm tăng 18,1%; hàng hóa khác tăng 16,2%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 14,7%; hàng may mặc tăng 13,3%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình tăng 13,0%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 9,5%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.813 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng mức, tăng 22,2% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 22 tỷ đồng và 34 nghìn lượt khách, tăng 27,6% doanh thu và 15,5% lượt khách so với năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 3.929 tỷ đồng, chiếm 5,0% tổng mức và tăng 13,5% so với năm trước.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và cũng là năm diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước. Dự báo, bên cạnh những thuận lợi từ các cơ chế, chính sách mới, hoạt động TMDV sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để TMDV giữ vững đà tăng trưởng, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các phương án quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại... gắn với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác, đáp ứng quy hoạch không gian đô thị, kết cấu hạ tầng liên vùng. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn và tăng cường hội nhập kinh tế. Sở Công Thương tiếp tục thúc đẩy phát triển TMDV hiện đại, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, các loại hình dịch vụ phân phối chất lượng cao, quy mô lớn, hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…). Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức, kinh doanh; chú trọng phát triển thương mại điện tử, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà để kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin