Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, những năm qua Công ty Điện lực Nam Định luôn nỗ lực tham mưu, thực hiện tốt các quy hoạch điện; tập trung khai thác các nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện theo hướng “điện đi trước một bước” nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng điện phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Đoàn công tác cấp cao của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức do bà Barbel Kofler, Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế làm Trưởng đoàn kiểm tra Trạm biến áp 110kV Yên Thắng (Ý Yên). |
Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi được chứng kiến không khí tất bật, khẩn trương trên công trường các công trình, dự án lớn đang chạy đua “nước rút” để hoàn thành đúng tiến độ. Gặp gỡ, trao đổi thông tin với Đoàn công tác cấp cao của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức do bà Barbel Kofler, Quốc vụ khanh Bộ hợp tác và phát triển Kinh tế làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc với UBND tỉnh Nam Định về phát triển hệ thống điện trên địa bàn, đồng chí Trần Mạnh Sỹ, Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định giới thiệu toàn cảnh hệ thống điện của tỉnh đang ngày càng ken dầy, trải dài từ đô thị trung tâm thành phố Nam Định đến các huyện chân sóng Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ và kết nối sang vùng đất trũng Vụ Bản, Ý Yên, phục vụ nhu cầu của nhiều thành phần phụ tải. Đến nay hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Nam Định gồm 5 cấp điện áp, trong đó lưới điện đầu nguồn 500kV và 220kV cung ứng vào tỉnh thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia quản lý, vận hành; hệ thống lưới điện từ 110kV, 35kV và 22kV do Công ty Điện lực Nam Định quản lý, vận hành. Cụ thể, lưới điện 500kV đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 55km, 145 vị trí chân cột, gồm 2 hướng tuyến: Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hoá và Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đi qua địa phận Nam Định có tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) là dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng của quốc gia, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có yêu cầu cao về tiến độ thực hiện dự án.
Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “làm xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”…, dự án đã sớm hoàn thành, đóng điện vào ngày 29/8/2024, sau hơn 6 tháng thi công. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500kV kết nối miền Trung và miền Bắc với công suất từ 2.500MW hiện nay lên 5.000MW; nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo; trong đó tỉnh Nam Định được hưởng nhiều lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn… Lưới điện đầu nguồn 220kV cung ứng vào tỉnh thông qua 2 trạm biến áp 220kV đặt tại thành phố Nam Định và huyện Trực Ninh, tổng công suất 1.000MVA. Ngoài ra, nguồn điện 220kV còn được cấp thêm cho một phần phụ tải ở 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản từ trạm 220kV của các tỉnh Ninh Bình và Hà Nam… Lưới điện do Công ty Điện lực Nam Định quản lý vận hành bao gồm 365km đường dây 110kV và 17 trạm biến áp với 27 máy biến áp 110kV có tổng công suất 1.174 MVA, các trạm 110kV đều được kết nối điều khiển xa. Lưới điện trung áp 22kV và 35kV trên toàn tỉnh gồm có 2.555,46km; số lượng trạm biến áp phân phối là 2.919 máy biến áp với tổng công suất 891.271,5kVA; đường dây hạ thế 0,4kV cấp điện cho các khách hàng là 13.705,17km…
Đường dây 500kV đi qua địa bàn tỉnh. |
Đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hệ thống lưới điện trên địa bàn hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của các thành phần phụ tải. Tuy nhiên, theo định hướng, Nam Định tiếp tục xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Từ nay đến năm 2030, tỉnh Nam Định có kế hoạch xây dựng thêm 10 khu công nghiệp và khoảng 50 cụm công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; các Cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi, Giao Thiện; các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng… Vì vậy nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhanh, phụ tải lớn. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm trên địa bàn tỉnh khoảng 500MW, trong đó phục vụ hoạt động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là trên 450MW; điện thương phẩm tăng thêm khoảng 5.700 triệu kWh, với mức tăng trưởng bình quân gần 9% mỗi năm; đến năm 2025, công suất cực đại toàn tỉnh (Pmax) đạt khoảng 1.100MW, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,25%... Vì thế, thực hiện Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1063/QĐ-BCT, đề nghị ngành Điện quan tâm, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung đầu tư nhiều công trình điện quan trọng phục vụ nhu cầu không chỉ của địa phương mà còn truyền tải, liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đó, ở lưới điện đầu nguồn, tỉnh Nam Định đặt ra yêu cầu với ngành Điện sớm hoàn thành xây dựng, đóng điện Trạm biến áp 220kV Hải Hậu đúng tiến độ vào cuối năm 2024; triển khai xây dựng mới Trạm biến áp 220kV Nam Định 2, Trạm biến áp 220kV Nghĩa Hưng, đưa vào vận hành giai đoạn 2026-2027 theo quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời đề nghị cập nhật nhu cầu phụ tải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới; đặc biệt là Khu công nghiệp Hải Long ở huyện Giao Thủy, các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng để sớm có giải pháp hỗ trợ tỉnh xây dựng các Trạm biến áp đầu nguồn 220kV phù hợp, đảm bảo cấp điện. Ở lưới điện 110kV, từ nay đến năm 2025, ngành Điện tiếp tục hoàn thiện đầu tư 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 1.790 tỷ đồng. Trên lưới điện trung áp, trong 3 năm qua, ngành Điện đã và đang triển khai thực hiện đầu tư 117 công trình với tổng kinh phí 1.295 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc sẽ giao cho Công ty Điện lực Nam Định 104 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thiện các dự án lưới điện 110kV, đưa tổng mức đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho lưới điện trung hạ áp là 1.400 tỷ đồng. Với lưới điện hạ áp, trong giai đoạn 2021-2022, ngành Điện đã triển khai thực hiện tổng số 79 dự án, tổng mức đầu tư 847,8 tỷ đồng; năm 2023 đầu tư 28 dự án, tổng kinh phí 335,7 tỷ đồng; năm 2024 tiếp tục hoàn thiện 10 dự án với tổng mức đầu tư 111,5 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện của tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn.
Đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Công ty Điện lực Nam Định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ ngành Điện trong triển khai các thủ tục dự án, cũng như trong quá trình triển khai thi công các dự án mới. Đồng thời mong muốn công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng tiến độ. Tăng cường phối hợp với ngành Điện trong công tác kiểm tra, tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện để tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định hiện hành, ngăn chặn sự cố lưới điện và giảm tai nạn điện.
Bằng nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền tỉnh Nam Định; sự cố gắng của ngành Điện; sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin