Gỡ "nút thắt" trong tiếp cận vốn tín dụng kinh tế tập thể

09:10, 15/01/2025

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) từ lâu đã được coi là xương sống của kinh tế nông thôn, nhưng hiện nay lĩnh vực kinh tế này đang đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng. Để giải quyết bài toán này, cần sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Đóng gói nguyên liệu làm thạch rau câu tại Hợp tác xã Khang Tường, xã Giao An (Giao Thủy).
Đóng gói nguyên liệu làm thạch rau câu tại Hợp tác xã Khang Tường, xã Giao An (Giao Thủy).

Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 537 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); trong đó 514 HTX đang hoạt động với tổng số 376.764 thành viên, 7.650 người lao động làm việc thường xuyên trong HTX. Tổng vốn điều lệ các HTX đạt hơn 595 tỷ đồng; tổng vốn hoạt động ước đạt 3.472 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản ước đạt 2.077 tỷ đồng; tổng doanh thu ước đạt 3,9 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận bình quân mới chỉ đạt khoảng 190 triệu đồng/HTX. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 42 QTDND (trong đó 22 Quỹ hoạt động trên 1 địa bàn, 20 Quỹ hoạt động liên địa bàn). Đến hết năm 2024, các QTDND có trên 44 nghìn thành viên với tổng vốn hoạt động hơn 5.500 tỷ đồng, tăng trên 0,58% so với đầu năm, dư nợ cho thành viên vay đạt hơn 4.100 tỷ đồng. Hoạt động của các QTDND cơ bản đều đảm bảo an toàn, hiệu quả, ngày càng khẳng định vai trò thiết chế tài chính quan trọng, hiệu quả ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an ninh nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với nguồn vốn vay từ QTDND, các HTX còn được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã cho vay quay vòng được 12 dự án với tổng số vốn 2,6 tỷ đồng, đã phần nào giúp các HTX, thành viên các HTX có nguồn lực phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho thành viên, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của các HTX. Bên cạnh đó, tại tỉnh chưa thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ do một số vướng mắc trong bố trí nhân lực quản lý, điều hành; nguồn ngân sách khó khăn chưa bố trí đủ vốn điều lệ. Từ năm 2019, Liên minh HTX tỉnh đã thành lập nhóm Zalo thành viên thường xuyên tuyên truyền trên nhóm, tạo diễn đàn trên nhóm tương tác giữa các thành viên đã vay được vốn và thành viên có nhu cầu vay, tuyên truyền trong tất cả các lớp tập huấn, cử 1 cán bộ có kỹ năng xây dựng dự án, chuyên xây dựng, đôn đốc theo dõi dự án và hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho các HTX. Mặt khác, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh quan hệ phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam nắm bắt nhu cầu để giới thiệu, trình Quỹ Trung ương cho vay đầu tư trung hạn theo quy định. Đến nay, đã có 19 HTX tham gia xây dựng dự án được thẩm định và được vay hơn 175,5 tỷ đồng; trong quá trình vay chưa phát sinh chậm trả gốc và lãi hay nợ xấu.

Khó khăn lớn nhất của các HTX trong việc tiếp cận vốn vay là thiếu tài sản để thế chấp cho các khoản vay. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 255 HTX được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên phần lớn các HTX được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, HTX thuộc trường hợp phải chuyển sang thuê đất. Nhưng đến hiện tại, đa số các HTX đều chưa thực hiện việc đăng ký biến động chuyển hình thức sử dụng đất. Do vậy, các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thông qua tài sản đảm bảo. Xã viên góp vốn nhưng tự quản lý, sử dụng phần vốn góp nên khó tạo ra tài sản chung đủ giá trị để thế chấp vay vốn. Năng lực đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kỹ năng xây dựng phương án kinh doanh khả thi, dẫn đến khó thuyết phục ngân hàng khi vay vốn. Cơ sở vật chất và phương tiện sản xuất của HTX còn yếu, không đáp ứng yêu cầu vay vốn trung và dài hạn. Nhiều HTX còn hạn chế về thị trường tiêu thụ do chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, phụ thuộc vào thương lái với hợp đồng không ổn định. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, giảm giá trị sản phẩm.

Để hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn với ngân hàng thuận tiện, đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, Liên minh HTX, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp hoạt động của HTX để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù như xem xét cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai khi HTX có dự án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi, hiệu quả. Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quy trình cấp tín dụng nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Tích cực phối hợp các sở, ngành, hiệp hội ngành hàng, liên minh HTX tại các địa phương nắm bắt thông tin về nhu cầu vay vốn, các HTX nông nghiệp hiệu quả để tiếp cận, phối hợp hỗ trợ các HTX hoàn thiện thủ tục, hồ sơ vay vốn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com