Huyện Vụ Bản nằm ở cửa ngõ phía tây của thành phố Nam Định, trên địa bàn huyện có kết cấu hạ tầng giao thông liên hoàn, huyết mạch với các tuyến Quốc lộ 21, 10, 38B, 37B và các tỉnh lộ 486B, 486C, 485B…, hệ thống đường thủy nội địa và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua là điều kiện thuận lợi trong việc giao thương, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện và cả tỉnh. Huyện có thế mạnh trong phát triển du lịch với Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại - tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh, chợ Viềng Xuân. Với mục tiêu khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của huyện, huy động các nguồn lực để tạo sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, ngày 12/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2768/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Vụ Bản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quốc lộ 10 và tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hiện trạng, tổ chức tổng thể không gian vùng huyện Vụ Bản đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo cấu trúc gồm 4 tiểu vùng kinh tế, 4 khu vực đô thị hóa và 5 hành lang.
Các tiểu vùng kinh tế gồm: tiểu vùng trung tâm (thị trấn Gôi và xã Kim Thái có quy mô diện tích khoảng 32,14km2); tiểu vùng đô thị hóa phía đông (đô thị Trung Thành và xã Thành Lợi, có quy mô diện tích khoảng 46,46km2); tiểu vùng nông nghiệp phía bắc (đô thị Cộng Hoà và xã Minh Tân, có quy mô diện tích khoảng 53,74km2); tiểu vùng nông nghiệp phía nam (xã Đại Thắng, có quy mô diện tích khoảng 20,47km2). 4 khu vực đô thị hóa gồm: thị trấn Gôi; đô thị Trung Thành; khu vực đô thị hóa Cộng Hòa; khu vực đô thị hóa sông Chanh - sông Đào. Các hành lang gồm: hành lang văn hóa du lịch Phủ Dầy - núi Gôi; hành lang du lịch sinh thái sông Sắt (cảnh quan); hành lang đô thị Liên Thanh - Trung An - Cộng Hòa; hành lang công nghiệp - Quốc lộ 10; hành lang đô thị hóa sông Chanh. Tiểu vùng trung tâm là đô thị huyện lỵ Gôi, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Vụ Bản; là vùng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, công nghiệp, phát triển kinh tế dịch vụ thương mại kết hợp du lịch sinh thái (Khu du lịch sinh thái núi Ngăm; khu du lịch dịch vụ sinh thái Phủ Dầy; khu du lịch dịch vụ văn hóa tâm linh Vụ Bản/trung tâm văn hóa tâm linh; khu du lịch sinh thái núi Lê; khu hỗn hợp dịch vụ thương mại và du lịch)…; Là vùng phát triển đa ngành, tập trung phát triển công nghiệp gồm: Khu công nghiệp (KCN) Bảo Minh, KCN Bảo Minh mở rộng, cụm công nghiệp (CCN) Thanh Côi, CCN Kim Thái, CCN Thanh Quang với các ngành nghề thu hút đầu tư có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, dịch vụ tiện ích công cộng phục vụ người lao động trong khu, CCN; Hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ tại các trục đường chính trên các Quốc lộ 10, 37B và nút giao đường Chợ Lời - Đại Thắng và các tuyến trục giao thông theo hướng Bắc - Nam với tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10…
Tiểu vùng đô thị hóa phía đông với trung tâm là đô thị Trung Thành, là đô thị mới phát triển đa ngành, dịch vụ, du lịch, thương mại, công nghiệp, khu vực phía đông là khu vực đô thị hóa nằm trong định hướng phát triển quy hoạch phân khu VIII của thành phố Nam Định; hình thành khu dịch vụ, du lịch, thương mại tại nút giao giữa vành đai xanh 1 và tuyến đường Tân Khánh - Liên Bảo, là không gian vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế - xã hội; phát triển KCN Thắng Lợi và các CCN Quang Trung, Trung Thành, Đại An thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; không thu hút ngành nghề dệt may, da giày...
Tiểu vùng nông nghiệp phía bắc với trung tâm là đô thị Cộng Hòa, là đô thị mới hình thành giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp công nghiệp; phát triển CCN Hợp Hưng, một phần KCN Mỹ Thuận thu hút đầu tư các ngành nghề có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; không thu hút ngành nghề dệt may, da giày… Tiểu vùng nông nghiệp phía nam phát triển kinh tế nông nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với CCN Vĩnh Hào và một phần KCN Thắng Lợi với các ngành nghề thu hút đầu tư có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; không thu hút ngành nghề dệt may, da giày…
Định hướng phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, huyện Vụ Bản có 2 đô thị gồm 1 đô thị loại IV là thị trấn Gôi và 1 đô thị loại V là đô thị Trung Thành mới thành lập, tỷ lệ đô thị hoá là khoảng 37%; tầm nhìn đến năm 2050, huyện Vụ Bản có 3 đô thị gồm 1 đô thị loại IV là đô thị Liên Thanh, 2 đô thị loại V là đô thị Trung An và đô thị mới Cộng Hoà, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 52%.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch đồng bộ, hiện đại với điểm nhấn là hệ thống giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và giao thông liên vùng. Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đối với các đoạn tuyến quốc lộ ngoài đô thị gồm các Quốc lộ 10, 38B, 37B, 21 quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng (tuân thủ theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Các đoạn tuyến qua đô thị: Quốc lộ 10 đoạn qua khu vực thị trấn Gôi mặt đường rộng 17m, hè rộng 5m; Quốc lộ 38B quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe có mặt đường rộng 14m, hè rộng 5m; Quốc lộ 21 (đường Lê Đức Thọ) có nền đường rộng 67m; Quốc lộ 37B quy mô cấp III đồng bằng có mặt đường rộng 14m, hè rộng từ 3-5m. Các tuyến đường vành đai xanh định hướng xây dựng tối thiểu cấp IV-III đồng bằng tuân thủ theo Quy hoạch tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các tuyến đường tỉnh, các đoạn tuyến ngoài đô thị của các tuyến đường 486B, 485B quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng (tuân thủ theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); đường tỉnh 486C (tuyến đường Khả Chính - Bối Xuyên, đường Cầu Họ - Hạnh Lâm được điều chỉnh thành đường tỉnh quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng theo Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 18/11/2024 của UBND tỉnh Nam Định). Các đoạn tuyến qua đô thị của các tuyến đường 485B, 486B quy mô tối thiểu đường cấp III đồng bằng có mặt đường rộng 14m, hè rộng từ 3-5m. Đường tránh giảm tải Quốc lộ 10 có tuyến chính đạt chuẩn cấp I đồng bằng với quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 39m với tổng bề rộng mặt cắt ngang (GPMB) là 100m (riêng đoạn tuyến từ điểm đầu nối với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Nam Định đến đường vành đai II có quy mô theo Quy hoạch chung thành phố Nam Định); tuyến nhánh đạt chuẩn cấp III đồng bằng với quy mô tối thiểu 4 làn xe, nền đường rộng 17m với tổng bề rộng mặt cắt ngang (GPMB) tối thiểu là 60m. Đường tránh Quốc lộ 38B quy mô tối thiểu đường cấp II đồng bằng… Nâng cấp, cải tạo kết hợp quy hoạch mới các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp III, IV đồng bằng (đoạn qua thị trấn quy hoạch theo đường đô thị). Về giao thông đường thủy: đối với tuyến sông do Trung ương quản lý chỉnh trị, nạo vét luồng tuyến sông Đào đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đường thuỷ nội địa cấp I; đối với các tuyến sông do địa phương quản lý, duy trì cấp sông hiện tại đối với luồng tuyến sông Sắt (cấp VI); duy trì hoạt động cảng xăng dầu hiện hữu tại bờ phải sông Đào thuộc xã Thành Lợi… Về giao thông đường sắt duy trì tuyến đường sắt hiện trạng, cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam qua huyện, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá và hành khách; phối hợp xây dựng và hiện đại hoá các ga Gôi, Trình Xuyên (nâng cấp ga Gôi phục vụ hành khách và ga Trình Xuyên phục vụ trung chuyển hàng hoá); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường sắt mới Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh trong đó có đoạn qua địa phận huyện Vụ Bản.
Để quản lý và thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh giao huyện Vụ Bản: quản lý chặt chẽ quỹ đất và trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định khác của pháp luật có liên quan; căn cứ Đồ án quy hoạch được duyệt triển khai việc lập các quy hoạch xây dựng có liên quan tại các khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng; lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đồng bộ với việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Sở Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác thẩm định đồ án quy hoạch trên, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp trên, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; thực hiện kiểm tra, giám sát UBND huyện Vụ Bản thực hiện quy hoạch được duyệt theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm cập nhật quy hoạch theo ngành để quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin