Tăng cường bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

19:20, 11/12/2024

Trước nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong giai đoạn giao mùa và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm (GSGC), bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Cán bộ thú y huyện Nghĩa Hưng thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi gia súc của các hộ chăn nuôi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Cán bộ thú y huyện Nghĩa Hưng thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi gia súc của các hộ chăn nuôi trên địa bàn để kịp thời phát hiện, khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo Cục Thống kê tỉnh, đến cuối tháng 11/2024, ước đàn trâu của tỉnh đạt 7.690 con; đàn bò 27.991 con, đàn lợn 590.298 con, đàn gia cầm 9,807 triệu con, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc với 14 ổ CGC A/H5N1 tại 9 tỉnh, 2 ổ dịch CGC A/H5N1 trên động vật hoang dã nuôi nhốt tại các tỉnh Long An và Đồng Nai. Tình hình dịch bệnh CGC trên người trong năm 2024 gia tăng. Bên cạnh đó, hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn; việc vận chuyển, tiêu thụ động vật tăng mạnh..., những yếu tố đó khiến cho nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn GSGC rất cao, nhất là bệnh CGC và bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại các địa phương trong tỉnh, kết quả giám sát dịch bệnh trên gia cầm tháng 10/2024 đã phát hiện 14/42 mẫu lấy từ gia cầm sống tại chợ dương tính với vi-rút CGC A/H5N1 và A/H5N6. Nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trên đàn gia cầm, lây sang các loài động vật mẫn cảm với người trong thời gian tới, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ là rất cao.

Trước tình hình trên, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc, xử lý chất thải chăn nuôi theo quy trình nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) cho biết: Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm chuyển mùa, sức đề kháng của GSGC bị ảnh hưởng. Vì vậy, phun khử trùng, tiêu độc là một biện pháp rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người. Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các trang trại, hộ chăn nuôi cần phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh và vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi nhốt GSGC. Định kỳ tổ chức thu gom, quét dọn sạch sẽ nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Trong quá trình vệ sinh khử trùng, tiêu độc cần chú ý lựa chọn các loại hóa chất phù hợp, hiệu quả cao, đồng thời bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi và không gây hại đến môi trường. Đối với các trang trại nuôi tập trung, quy mô lớn phải có hố sát trùng, phun khử trùng, tiêu độc trong chuồng nuôi, không cho người lạ ra, vào khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, phải thường xuyên quét dọn, ủ phân, dùng vôi bột rải nền chuồng hoặc pha nước vôi để quét tường, sàn, khu vực ủ phân để tiêu diệt mầm bệnh. Thực hiện Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh GSGC đợt 2 năm 2024, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh cấp hóa chất hỗ trợ các địa phương để triển khai Tháng Vệ sinh khử trùng, tiêu độc.  

Tại huyện Vụ Bản, công tác khử trùng, tiêu độc được UBND huyện quan tâm chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là trong Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc. Đồng chí Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản cho biết: Sau khi được cấp thuốc khử trùng, huyện đã phân bổ cho các địa phương để triển khai phun tiêu độc, khử trùng cho các khu vực có nguy cơ cao như tại các điểm họp chợ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, khu vực chợ buôn bán GSGC. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi tại các xã, thị trấn cũng tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải, chất độn chuồng, sau đó khử trùng nước sôi, hóa chất, vôi bột… Anh Phạm Ngọc Cường, xã Thành Lợi chia sẻ: Thời điểm này, thời tiết ở giai đoạn chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc khử trùng, tiêu độc sẽ giúp tiêu diệt, hạn chế mầm bệnh tồn tại ở ngoài môi trường chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa phát sinh, lây lan dịch bệnh GSGC, nhất là dịch CGC, dịch lở mồm long móng ở gia súc, dịch tai xanh ở lợn. Để bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, anh mua 40kg vôi bột, 3 lít hóa chất về phun khử trùng và rắc vôi bột xung quanh khu chăn nuôi với tần suất mỗi tuần 1 lần. Bên cạnh đó, anh còn thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn lợn, bởi theo anh đây là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên từ đầu năm đến nay trang trại của gia đình anh không xuất hiện dịch bệnh, đàn lợn nuôi an toàn, phát triển khỏe mạnh…

Cùng với sự chủ động áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng, ngành chức năng, các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn cơ sở, trang trại, hộ chăn nuôi các biện pháp quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, đối tượng, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách được đẩy mạnh thông qua các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội nghị, hội thảo, tham quan mô hình và hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về vệ sinh môi trường, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật, khu vực giết mổ GSGC, những nơi trước đó từng xảy ra dịch, bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp như: Thu gom chất thải rắn để ủ, đốt hoặc chôn lấp; sử dụng công trình khí sinh học biogas, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, nhất là chất thải lỏng; không xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường để hạn chế lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; sử dụng nước vôi, vôi bột, hóa chất để khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường. Hàng tháng các thôn, xóm tổ chức tổng vệ sinh làm sạch môi trường nhất là những nơi công cộng, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh...

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ an toàn đàn GSGC không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm, mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com