Những ngày cuối năm, khí thế lao động ở làng nghề sản xuất máy chế biến thực phẩm của xã Liêm Hải (Trực Ninh) càng sôi động; tiếng búa, khói hàn, máy mài, máy cắt vang lên không ngớt.
Sản xuất hệ thống băng chuyền máy làm bún tự động tại Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều. |
Anh Nguyễn Thế Chiều, chủ Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều tại thôn Tuân Lục cho biết: “Trong những năm tháng làm việc tại cơ sở chế biến bánh phở ở tỉnh Lạng Sơn tôi đã tích luỹ được một số kinh nghiệm về nghề cơ khí chế tạo. Năm 1999, tôi về quê ở xã Liêm Hải mở xưởng sản xuất cơ khí. Ban đầu, xưởng chỉ có 2-3 lao động, chủ yếu gia công các thiết bị cơ khí dân dụng đơn giản như cửa sắt, khung xưởng, giá đỡ...”. Thời điểm đó nghề làm bún, bánh phở chủ yếu theo phương pháp thủ công với các dụng cụ để sản xuất rất thô sơ: Cối đá, chày gỗ, rổ rá đan bằng tre, lá chuối... Bên cạnh đó, quá trình sản xuất có nhiều công đoạn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Từ đó, anh nung nấu ý định chế tạo ra máy làm bún nhằm rút ngắn một vài công đoạn để các hộ sản xuất đỡ vất vả. Tự mày mò nghiên cứu, tham khảo các máy móc của nước ngoài kết hợp kinh nghiệm cơ khí của bản thân, ý tưởng phác thảo về chiếc máy làm bún, phở tự động của anh Chiều ngày càng được định hình rõ nét. “Khó khăn lớn nhất lúc đó thiếu các loại máy móc hỗ trợ chế tạo và nguyên liệu chính là i-nox. Thời đó, ở xã Liêm Hải và các vùng lân cận chưa có nhiều loại máy chuyên dụng như máy tiện, máy cắt, máy phay lớn, hầu hết mọi công đoạn tôi đều phải làm thủ công, vật liệu i-nox phải gom nhặt từ cửa hàng phế liệu” - anh Chiều cho biết.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ cùng nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ngày lại bắt tay vào thử nghiệm, đến đầu năm 2003, cơ sở Thế Chiều đã cho ra đời những chiếc máy chế biến bún, phở đầu tiên với công suất thiết kế từ 100-120kg bún/giờ. Máy chế biến bún, phở do cơ sở sản xuất hoạt động hiệu quả, sợi bún, bánh phở có độ dẻo, mềm, không bị chua, dai, vón cục. Hệ thống máy liên hoàn gồm máy đánh bột, ép thành sợi rồi khâu cuối là nồi luộc chín. Tùy sản phẩm mà hệ thống máy liên hoàn khác nhau ở bộ phận tạo khuôn thành phẩm. Chính những người dân vận hành máy đã góp ý những hạn chế, trong số đó có người chia sẻ kinh nghiệm về máy đã giúp anh dần khắc phục và hoàn thiện. Tùy theo năng lực sản xuất của hộ là 1,5-2 tạ/giờ, 2,5-3 tạ/giờ hay cao hơn để chế tạo ra công suất của máy tương ứng tiết kiệm được điện năng và công sức cho người làm nghề... Máy chế biến bún, phở tự động đầu tiên nhanh chóng được người dân đón nhận, chiếc máy đầu tiên được bán cho khách hàng ở Đà Lạt. Sau thành công này, cơ sở Thế Chiều đã nhận được nhiều hợp đồng sản xuất máy chế biến bún, phở. Cơ sở đã tổ chức giới thiệu sản phẩm và mở văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng và Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu.
Từ năm 2007, với chủ trương mở rộng sản xuất, được sự giúp đỡ của huyện Trực Ninh và chính quyền cơ sở, Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích gần 6.000m2, công suất thiết kế sản xuất 400-500 máy/năm với đội ngũ gần 60 kỹ sư, công nhân có tay nghề khá. Sản phẩm liên tục được đầu tư, cải tiến, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu có khả năng cạnh tranh cao. Hiện nay, Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều đang vươn lên thành nhà sản xuất và phân phối: Máy làm bún liên hoàn công suất lớn, công suất vừa và công suất nhỏ; các máy bánh phở liên hoàn máy loại lớn, nhỏ... sử dụng điện năng; máy tráng bánh cuốn nhỏ và vừa; máy làm hủ tiếu; nồi cơm đa năng; các máy phục vụ cho chế biến khác như máy vo gạo, máy vắt bột, máy xay bột với các chủng loại phong phú… Từ năm 2009 đến nay, các sản phẩm máy chế biến thực phẩm (máy làm bún, máy tráng bánh phở, máy tráng bánh cuốn, máy xay gạo, máy ép ly tâm, máy làm bánh hỏi) của cơ sở sản xuất Thế Chiều tiêu thụ tốt ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài như: Úc, Thái Lan, Myanmar, Hàn Quốc với sản lượng gần 700 chiếc/năm. Doanh thu hàng năm của xưởng đạt 5 tỷ đồng.
Từ Xưởng thiết bị thực phẩm Thế Chiều, nghề chế biến máy thực phẩm đã trở thành sinh kế cho nhiều người dân. Anh Nguyễn Thành Nam, chủ xưởng chế biến máy thực phẩm Đức Nam cho biết: “Hiện tại, xưởng đang chế tạo và cung ứng ra thị trường 10 loại máy chế biến thực phẩm như máy làm bún, phở, máy tráng bánh đa, máy sấy bánh đa, máy sấy hủ tiếu, bánh tráng, bánh hỏi… Bình quân mỗi tháng, xưởng hoàn thành từ 2-3 đơn hàng, đem lại thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng”.
Theo UBND xã Liêm Hải, trên địa bàn xã có khoảng trên 20 cơ sở sản xuất máy chế biến thực phẩm bún phở với doanh thu hơn 70 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 170 lao động với thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, các xưởng cơ khí chế tạo máy chế biến thực phẩm tại xã Liêm Hải đã liên kết thành lập Hội cơ khí xã Liêm Hải với 20 thành viên để liên kết, hỗ trợ nhau về công nghệ, máy móc, mở rộng thị trường tiêu thụ đảm bảo phát triển nghề bền vững.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin