Nam Định là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ sinh thái đa dạng loài, di truyền. Tuy nhiên, qua thời gian dài canh tác không được chọn lọc, nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã bị thoái hóa, năng suất và chất lượng giảm, có nguy cơ mất nguồn gen gốc quý. Một trong số đó là giống lạc sen (lạc đỏ). Việc nghiên cứu, phục tráng và bảo tồn giống lạc bản địa này được Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đưa vào nghiên cứu khoa học do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện nhằm ứng dụng KHCN hiện đại kết hợp tri thức truyền thống, góp phần bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen, đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Mô hình trình diễn giống lạc sen phục tráng tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Lạc sen Nam Định là giống lạc địa phương, có khả năng thích ứng rộng trên mọi loại đất, thích hợp nhất là đất cát pha; có khả năng chịu mặn, chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Cùng với lúa, khoai tây, lạc được xác định là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh; đặc biệt giống lạc sen có tiềm năng khai thác thương mại và sản xuất hàng hóa rất cao nhờ những tính trạng di truyền quý như: chất lượng ngon, khả năng chống chịu tốt và có khả năng khai thác giá trị gia tăng từ chế biến sâu qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đây chính là cơ sở để lạc sen trở thành 1 trong những đối tượng của nhiệm vụ KHCN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh phê duyệt với Đề tài: “Phục tráng, phát triển giống lạc sen (lạc đỏ) Nam Định”, “Đánh giá tiềm năng di truyền và phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định”, với mục tiêu xác định được tiềm năng di truyền về một số tính trạng nông học có ý nghĩa của nguồn gen và tiến hành phục tráng để phát triển giống lạc đặc sản này.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 300 hộ nông dân trồng lạc sen trong vụ xuân tại 2 huyện Giao Thủy, Hải Hậu với diện tích trên 500ha và cho thấy năng suất lạc sen bình quân chỉ đạt hơn 2,5 tấn/ha; giống đã bị thoái hoá, không còn giữ được năng suất, chất lượng… Do vậy, nhóm nghiên cứu tiếp tục tiến hành thu thập các mẫu giống dựa trên các đặc trưng vốn có của lạc sen; đồng thời nghiên cứu đã thu thập số liệu, tài liệu thứ cấp (số liệu thống kê, báo cáo tổng kết 3 năm 2019-2021). Kết quả đã lựa chọn ra 500 cá thể từ 20 dòng đạt sau đánh giá đặc điểm hình thái, nông sinh học chính để phục tráng chọn lọc cá thể G0 (vụ thứ nhất) được thực hiện trong vụ xuân năm 2022 tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) và xã Giao Phong (Giao Thủy). Song song với việc lựa chọn cá thể G0, đề tài nghiên cứu đã sử dụng chỉ thị phân tử ADN đặc trưng và chỉ thị liên kết với tính trạng chất lượng để đánh giá đa dạng di truyền các dòng lạc. Từ đó chọn lọc các dòng có đặc tính quý để phục tráng, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa. Tiếp tục triển khai đánh giá, chọn lọc, đề tài đã thu được 225 cá thể có đặc điểm hình thái phù hợp để chọn lọc ra 150 dòng G1 (vụ thứ 2) đánh giá trong vụ thu đông năm 2022 và thu về 115 dòng G1 đạt yêu cầu. Ở vụ thứ 3 (vụ xuân 2023), đề tài đã chọn lọc 50 dòng G1, tiến hành sản xuất giống siêu nguyên và đã sản xuất được 437kg giống lạc sen cấp siêu nguyên chủng (G2) với 39 dòng có các chỉ tiêu phù hợp với các tính trạng của giống gốc, độ thuần đồng ruộng đạt 100%, có kết quả kiểm nghiệm mẫu hạt giống đạt cấp siêu nguyên chủng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống lạc (QCVN 01-48:2011/BNNPTNT) và đạt tiêu chuẩn hỗn dòng để làm vật liệu ở các vụ tiếp theo.
Trong vụ xuân năm 2024, đề tài nghiên cứu đã xây dựng mô hình trình diễn thâm canh giống lạc sen sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng cao, ít sâu bệnh với quy mô 2ha tại thị trấn Thịnh Long và xã Giao Phong. Thời tiết đầu vụ có mưa ẩm, thuận lợi cho cây lạc nảy mầm, sinh trưởng và phát triển. Lạc sen từ khi gieo đến lúc ra hoa khoảng 40 ngày; thời gian sinh trưởng khoảng 115-120 ngày. Các hộ dân trực tiếp tham gia mô hình trồng thâm canh giống lạc sen đã được phục tráng trong vụ xuân 2024 đều có nhận định, giống lạc sen đã được phục tráng sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, đẻ nhánh đều, thời gian sinh trưởng ngắn; năng suất bình quân ước đạt 34,47 tạ lạc khô/ha. Kỹ thuật canh tác cũng tương đối dễ, chỉ cần không bón phân tươi, kiểm tra thường xuyên để phòng trừ sớm sâu bệnh gây hại. Giống lạc sen Nam Định đã phục tráng có tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ít hơn giống lạc đỏ du nhập từ địa phương khác về. Đồng thời, lạc sen phục tráng có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh gỉ sắt, góp phần duy trì năng suất giống lạc sen. Giống sau khi phục tráng có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi được với nhiều điều kiện thời tiết bất thuận, cho năng suất cao và ổn định. Tổng chi phí đầu tư cho 1ha mô hình lạc sen là gần 79 triệu đồng, đem lại thu nhập bình quân đạt hơn 172 triệu đồng. Lãi thuần thu được của mô hình sản xuất lạc sen đạt hơn 93 triệu đồng/ha, cao hơn gần 22% so với lạc đỏ chưa được phục tráng (chỉ đạt hơn 76,6 triệu đồng đồng/ha). Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật giống; đào tạo được 60 lượt người và tổ chức 1 hội thảo giới thiệu về kết quả đề tài. Đồng chí Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu cho biết: Từ kết quả của mô hình trình diễn trong vụ xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tham mưu với UBND huyện sử dụng các giống lạc sen đã được phục tráng nhân rộng ra sản xuất đại trà để tạo vùng chuyên nhân giống lạc sen phục vụ sản xuất.
Việc phục tráng thành công giống lạc sen Nam Định cũng như mô hình thâm canh giống lạc sen phục tráng bước đầu cho thấy hiệu quả vượt trội, không chỉ từng bước chủ động được nguồn giống, bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi địa phương mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất lạc trên địa bàn tỉnh và nâng cao thu nhập cho nông dân trong tỉnh.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin