Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn đang trở thành một yêu cầu cấp bách. Đây không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn là nghĩa vụ pháp lý từ ngày 31/12/2024, được Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cụ thể. Bằng việc sớm chủ động quản lý CTR, Nam Định đang là một trong những địa phương tiên phong thực hiện hiệu quả các mô hình quản lý CTRSH, vì sự phát triển bền vững.
Hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ tại gia đình. |
Phân loại rác thải tại nguồn: Nghĩa vụ pháp lý bắt buộc từ 31/12/2024
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ: Từ ngày 31/12/2024, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình; đồng thời yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân phân loại CTRSH thành 3 nhóm: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTR khác. Đặc biệt, khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho phép cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn quy định: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2022 đến hết năm 2024 được xem là thời gian “chuẩn bị”, giúp người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và lợi ích của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày. Đây cũng là thời gian để biến phân loại rác thành thói quen, từ đó nhìn nhận rác thải như một nguồn tài nguyên quý giá thay vì chỉ là vấn đề cần xử lý. Sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa CTRSH đúng theo quy định thì bị phạt tiền theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Nam Định: Điểm sáng trong công tác phân loại CTRSH
Nam Định là tỉnh đồng bằng có mật độ dân cư cao, CTRSH ngày càng phát sinh nhiều. Để giảm tải lượng rác cần xử lý, từ trước năm 2010 tỉnh Nam Định đã chủ động đẩy mạnh quản lý CTR; đặc biệt tỉnh đã triển khai các mô hình phân loại rác tại hộ gia đình từ trước năm 2018.
Theo đồng chí Đặng Văn Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường): UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả việc phân loại CTRSH, bao gồm: Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 12/1/2021 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR theo Chỉ thị 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/7/2021 về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh Nam Định; Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 14/2/2023 ban hành quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 120/UBND-VP3 ngày 1/3/2023 về tăng cường công tác quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 30/6/2023 phê duyệt đề án thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn tỉnh. Để việc thực thi Luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện phân loại rác thải đồng bộ ở tất cả các khâu từ phân loại đến thu gom, xử lý; in các tờ rơi hướng dẫn phân loại CTRSH để tuyên truyền tới người dân. Sở cũng đề nghị các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo các cấp chính quyền, các cơ sở, doanh nghiệp và người dân nắm rõ các quy định liên quan đến phân loại CTRSH tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Các huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn. Nhờ đó, đến nay, các hộ gia đình tại vùng nông thôn đã tận dụng tối đa chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón (theo các mô hình phân loại CTR tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng thùng ủ, hố rác hữu cơ di động...). Bên cạnh đó, người dân còn phân loại, bán phế liệu các CTR có thể tái chế như kim loại, giấy, nhựa…. CTRSH khác được thu gom về khu xử lý rác thải tập trung của xã; tại đây tổ thu gom tiếp tục phân loại CTR có thể tái chế như kim loại, giấy, nhựa và phân loại chất thải nguy hại như ắc-quy, pin thải, bóng đèn huỳnh quang thải lưu chứa trong các kho chứa chất thải nguy hại, các chất thải còn lại mới đưa vào lò đốt hoặc chôn lấp tại bãi chôn lấp. Tính đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Tại thành phố Nam Định thực hiện phân loại rác tại Nhà máy rác làng Man phường Lộc Hòa. Kết quả phân loại rác thải tại nguồn từ các mô hình ủ rác thải hữu cơ đã giảm được khoảng 30% lượng rác thải phải đưa đi xử lý; tiết kiệm nguồn ngân sách dành cho việc xử lý rác thải; thay đổi thói quen phân loại rác của người dân.
Để đáp ứng nhu cầu xử lý CTRSH trên địa bàn, tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Năng lượng Greenity Nam Định xây dựng Khu xử lý rác thải xã Mỹ Lộc (Nhà máy điện rác Greenity Nam Định) xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt rác phát điện với công suất lò đốt 700 tấn/ngày, đáp ứng xử lý 950 tấn rác/ngày, phát điện 15MW. Đây là bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, không chỉ giảm áp lực xử lý rác mà còn góp phần sản xuất năng lượng sạch.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án thu gom, vận chuyển CTRSH để lựa chọn đơn vị vận chuyển rác từ trạm trung chuyển/điểm tập kết trên địa bàn các xã về Nhà máy điện rác Greenity Nam Định qua hình thức đấu thầu. Theo đó, hầu hết CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý rác thải xã Mỹ Lộc để xử lý bằng công nghệ đốt rác phát điện. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền để đảm bảo các hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc phân loại CTRSH theo quy định. Đặc biệt chú trọng hướng tới phân loại triệt để CTR có thể tái chế để bán tận thu, thực hiện tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn, tăng tỷ lệ các hộ gia đình có sử dụng hố ủ rác hữu cơ, nhằm giảm lượng rác phải xử lý tại Khu xử lý rác thải xã Mỹ Lộc.
Thực hành phân loại CTRSH không chỉ là việc tuân thủ nghiêm pháp luật mà còn là hành động thiết thực góp phần xây dựng Nam Định xanh - sạch - đẹp hơn. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần chung tay đưa phân loại CTRSH trở thành thói quen hàng ngày. Từ đó, chúng ta không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống hiện tại mà còn kiến tạo một nền tảng phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai. |
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin