Hội Nông dân (HND) xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) hiện có 2.115 hội viên, bằng 96% so với hộ nông thôn. Thời gian qua, HND xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thực hiện các quy trình để được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần tạo thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sản phẩm OCOP cá nhệch và cá đối mục kho tộ của gia đình ông Trần Văn Thắng được khách hàng tin dùng lựa chọn. |
Chúng tôi đến thăm cơ sở chế biến thủy hải sản Thiết Hiên của gia đình ông Trần Văn Thắng tại xóm 1, khi ông đang tất bật chuẩn bị các nguyên liệu cho mẻ cá kho mới. Ông Thắng cho biết: Với lợi thế của khu vực bãi bồi của sông Ninh Cơ, sông Đáy, có nhiều loại cá tự nhiên tươi ngon, có giá trị dinh dưỡng cao như bống bớp, nhệch, đối mục, nên gia đình ông luôn ấp ủ, nung nấu dự định làm ra những sản phẩm tạo thương hiệu cho quê hương. Từ những năm 1990, gia đình ông đã xuất khẩu nhệch đi nước ngoài và chế biến gỏi nhệch. Sau khi chế biến cá nhệch kho niêu được khách hàng tin dùng, năm 2014 ông tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường. Để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng thơm ngon nhất, các công đoạn đều được chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến ướp cá, kho cá. Cá được kho niêu đất theo đúng phương pháp cổ truyền bằng bếp củi ủ trấu 7-8 tiếng, sau đó mới đưa sang hệ thống kho điện thêm 1-2 tiếng nên thịt cá khô săn, ngọt bùi, nhừ xương và dậy lên hương vị thơm ngon hơn hẳn. Qua quá trình kho, ông đã cải tiến hệ thống lò đun, dùng tấm tôn khoét các lỗ tròn đặt vừa khít đáy niêu, chỉ để tiếp xúc với lửa bên dưới, nhờ đó nhiệt nóng âm ỉ, hạn chế khói, niêu cá trông thẩm mỹ bắt mắt hơn, phần miệng và thân vẫn giữ nguyên màu đỏ sậm của đất nung… Đến nay, gia đình ông Thắng đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP gồm cá nhệch kho tộ và cá đối mục kho tộ, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong Nam, ngoài Bắc, được khách hàng tin dùng lựa chọn làm quà biếu. Từ đó, lợi nhuận nâng cao hơn do sản lượng tiêu thụ tăng gấp 3 lần so với các năm trước. Ông Thắng mong muốn, thời gian tới sẽ chế biến sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn, nâng cao vị thế trên thị trường; đồng thời góp phần tiêu thụ nông sản, thủy hải sản cho người dân địa phương.
Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Thanh Hà, hội viên chi hội 3 quyết định nghỉ công việc thu nhập ổn định ở Nhà nước để thành lập cơ sở chế biến đặc sản Thiên Anh với bí quyết riêng được cha ông truyền lại qua nhiều thế hệ. Chị chia sẻ, đây không chỉ là một công việc mà còn là tâm huyết, cách gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương. Nhờ sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng, UBND xã Phúc Thắng và HND xã, cùng sự động viên của người thân, bạn bè, chị đã xây dựng, phát triển sản phẩm “Nếp cẩm trứng gà hạ thổ Thiên Anh” đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2024. Sản phẩm “Nếp cẩm trứng gà hạ thổ Thiên Anh” đã được đăng ký nhãn hiệu. Thế mạnh của sản phẩm nằm ở quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, kết hợp giữa công thức gia truyền và sự nghiêm ngặt, kỹ càng trong việc chọn nguyên liệu sạch, an toàn. Chị Hà đặt gạo nếp cẩm ở Điện Biên và cất công đến tận nhà dân để chọn mua trứng, về rửa sạch, ngâm qua dấm để khử trùng và làm mềm vỏ trứng. Ngoài ra, sản phẩm còn được ủ hạ thổ ít nhất 100 ngày trước khi hoàn dương để giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên, đem lại giá trị sức khỏe cho người dùng. Đặc biệt, với việc được chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm đã khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường. Hiện tại, sản phẩm được phân phối chủ yếu trong và ngoài huyện và đang mở rộng ra thị trường cả nước với khoảng trên 2.000 lít/năm. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống như tại cửa hàng, chợ địa phương, các sự kiện thương mại, các hội chợ và triển lãm nông sản, chị Hà đang đẩy mạnh các kênh online, bao gồm mạng xã hội (Facebook, Zalo), các sàn thương mại điện tử như Shopee nhằm quảng bá sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng hơn. Trong thời gian tới, chị định hướng sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh nghiên cứu để cho ra mắt các dòng sản phẩm mới như rượu cốm sữa, rượu đòng đòng, rượu nếp đục... phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng. Về thương hiệu, chị tiếp tục đầu tư vào hình ảnh và chiến lược marketing, đặc biệt là khai thác tối ưu các nền tảng số để tăng độ nhận diện; đồng thời luôn nỗ lực để sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình.
Đồng chí Đỗ Thị Thu Hà, Chủ tịch HND xã Phúc Thắng cho biết: Thời gian qua, HND xã đã vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Nông dân khởi nghiệp”…, trong đó chú trọng khuyến khích hội viên đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2024, HND xã đã đăng ký mới và nâng sao cho các sản phẩm OCOP của hội viên, bao gồm: nâng sao sản phẩm “Nước mắm gia truyền Lạch Giang”; đăng ký đạt OCOP 3 sao cho các sản phẩm “Cá đối mục kho tộ Thiết Hiên” và “Nếp cẩm trứng gà hạ thổ Thiên Anh”. Đến nay, toàn xã đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP.
Thời gian tới, HND xã Phúc Thắng tiếp tục tuyên truyền về Chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân; vận động, hướng dẫn các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương tham gia chương trình OCOP; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời hỗ trợ hội viên quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin