Làng nghề nhôm đúc Hải Vân, xã Hải Nam (Hải Hậu) khởi nguồn từ nghề mộc truyền thống. Trải qua hơn 30 năm phát triển, làng nghề đã trở thành trung tâm nhôm đúc mỹ nghệ nổi tiếng cả nước với 27 doanh nghiệp và 40 xưởng sản xuất, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế địa phương.
Sản xuất nhôm đúc mỹ nghệ tại Công ty Cổ phần Nhôm đúc Phú Thịnh, xóm 14, xã Hải Nam (Hải Hậu). |
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những người thợ ở làng nghề nhôm đúc Hải Vân không chỉ gìn giữ các kỹ thuật đúc nhôm truyền thống trong quá trình chế tác mà còn không ngừng học hỏi, sáng tạo. Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt lớn khi các doanh nghiệp địa phương đưa công nghệ đúc chân không về làng. Đây là kỹ thuật hiện đại, giúp tạo ra những sản phẩm tinh tế, sắc nét và hoàn hảo nhất mang đậm dấu ấn nghệ thuật và có giá trị sử dụng cao trong trang trí nội ngoại thất. Hiện làng nghề đã thành lập Hiệp hội Nhôm đúc Hải Vân quy tụ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, công ty với hơn 20 thành viên; tiêu biểu là Công ty Cổ phần Nhôm đúc và Thương mại Minh Khoa; Công ty Cổ phần Nhôm đúc Đệ Nhất Cổng, Công ty Cổ phần Hợp kim nhôm Thiên Hoàng Phát, Công ty Cổ phần Nhôm đúc Thiên Phú...
Công ty Cổ phần Nhôm đúc Phú Thịnh ở xóm 14, xã Hải Nam là doanh nghiệp tiêu biểu của làng nghề. Anh Mai Văn Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Nhôm đúc là một loại vật liệu có độ bền cao, độ cứng và khả năng chịu nhiệt tốt, nên thường được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và độ bền lâu dài. Nhằm đẩy mạnh phát triển thương hiệu và uy tín trên thị trường, công ty đã không ngừng cải tiến kỹ thuật và đầu tư mở rộng máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao tay nghề đội ngũ cán bộ công nhân viên. Công ty đã đầu tư bài bản với hệ thống máy móc hiện đại, bao gồm máy in 3D, máy CNC tạo khuôn, giàn khuôn đúc chân không, máy phun sơn tĩnh điện... Sản phẩm được áp dụng quy trình sơn 7 lớp với các loại sơn nhập khẩu cao cấp để tăng tuổi thọ và vẻ đẹp, giúp sản phẩm bền màu, sắc nét và chống chịu tốt trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo anh Bình, sau khi khách hàng đã lựa chọn được mẫu cổng ưng ý, bộ phận thiết kế sẽ tiếp nhận và tiến hành lên bản vẽ 3D chuyên dụng với từng chi tiết sắc nét, phức tạp nhất để máy đục mẫu CNC có thể đọc và chạy chính xác nhất. Khuôn mẫu với hoa văn càng chi tiết, tỉ mỉ thì bộ sản phẩm sẽ càng sắc sảo, đẹp mắt. Với sự trợ giúp của máy CNC, công nghệ làm cửa nhôm đúc hiện nay đã có thể cho ra đời những mẫu sản phẩm có độ hoàn hảo gần như tuyệt đối nhất trong từng góc cạnh, hoa văn, nét vẽ. Tiếp đó, đến công đoạn xử lý khuôn mẫu tạo độ bóng. Sau khi máy CNC đục xong khuôn mẫu, những người thợ sẽ dùng giấy nhám để chà vào bề mặt mẫu nhằm tạo độ bóng nhằm đảm bảo mẫu đúc được láng mịn, các chi tiết, hoa văn trên khuôn mẫu phải có độ sắc nét, rõ ràng, thật chính xác và tinh tế nhất. Bởi cánh cổng được đúc sẽ là bản sao chép 100% từ chính khuôn mẫu gỗ này. Để đúc các sản phẩm cơ khí mỹ nghệ ngoại thất, công nghệ đúc chân không nhôm phổ biến hiện nay thường sử dụng cát. Khuôn mẫu gỗ đã được làm trước đó, sẽ nén và ép lên nền cát. Mọi hoa văn trên mẫu gỗ sẽ được hằn trên nền cát. Đồng thời, vị trí để đổ nhôm lỏng, lỗ thoát nhôm dư thừa, lỗ thông hơi thoát khí cũng được thiết kế một cách hợp lý, tỉ mỉ và khoa học, để đảm bảo sao cho dòng chảy của nhôm lỏng sẽ được chảy đều và đầy vào mọi khoang rỗng. Nhôm được sử dụng có tỷ lệ khoảng 96% nguyên chất và khoảng 4% các nguyên tố phụ gia khác như Mangan để gia tăng độ cứng, tăng độ chịu lực cho cánh cổng. Phôi nhôm nguyên chất được nấu tan chảy trong lò với nhiệt độ cao trên 750 độ C và được rót vào khuôn cát theo những lỗ đã được thiết kế sẵn trước đó. Khi thành phẩm đã được nguội, những người thợ thủ công bắt đầu rã cát ra để lấy thành phẩm. Lúc này sản phẩm chỉ mới đạt khoảng 95% về độ sắc sảo trong mọi góc cạnh, hoa văn. Chính vì thế, sản phẩm cần phải trải qua công đoạn cắt phần phôi nhôm thừa, mài, đánh bóng. Tại Công ty Cổ phần Nhôm đúc Phú Thịnh, sản phẩm sẽ được phun kỹ càng và tỉ mỉ với lần lượt 6 lớp sơn và bột nhũ đồng cao cấp chất lượng cao. Lớp trong cùng sẽ được phủ 2 lớp sơn lót để bảo vệ hoàn toàn phần nhôm bên trong tránh mọi sự xâm hại từ môi trường; đồng thời lớp sơn lót cũng đóng vai trò làm nền cho lớp sơn tiếp theo là lớp đồng giả cổ. Khi lớp sơn đồng khô, sản phẩm sẽ được phủ thêm lớp sơn màu nền nhằm tạo điểm nhấn và làm nổi bật các góc cạnh hoa văn có màu vàng đồng. Cuối cùng là 2 lớp sơn được phủ bóng nhằm tạo độ bóng, khóa các lớp sơn bên trong, bảo vệ sản phẩm. Có thể nói công đoạn sơn này cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp lõi nhôm được bảo vệ nhằm giữ được sự bền đẹp lâu dài. Cổng nhôm thành phẩm sẽ có màu sắc tươi sáng, bề mặt bóng đẹp, những nét sơn sạch sẽ, rõ ràng, nhẵn nhụi.
Với công nghệ đúc chân không hiện đại, cổng nhôm đúc Phú Thịnh được sản xuất với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau theo kiến trúc Đông phương với hoa văn tùng - cúc - trúc - mai, long - lân - quy - phụng, hoa hồng, cúc, trống đồng, tranh đồng quê và kiến trúc Tây Âu như cổng cung điện Buckingham, tháp đồng hồ Bigben, sư tử, phù điêu… mang lại vẻ đẹp sang trọng và hiện đại cho kiến trúc công trình. Ngoài cổng nhôm đúc, còn có các sản phẩm khác như hàng rào, lan can cầu thang, tượng nhôm đúc, bàn ghế nhôm đúc, cột đèn, cột tháp, xích đu... đem lại tính thẩm mỹ và độ bền cao cho các công trình kiến trúc… Những sản phẩm nổi bật của Nhôm đúc Phú Thịnh được khách hàng yêu thích những năm qua gồm: cổng, cửa, cầu thang, lan can, hàng rào, cột tháp, tượng nhôm đúc... Bình quân mỗi tháng, Công ty Cổ phần Nhôm đúc Phú Thịnh cung ứng ra thị trường hơn 40 bộ sản phẩm nhôm đúc mỹ nghệ các loại, phục vụ thị trường toàn quốc và xuất khẩu sang nước Lào.
Nhạy bén với thị trường, hầu hết các doanh nghiệp trong làng nghề... đều chủ động xây dựng website, quảng cáo trên các nền tảng thương mại điện tử và trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter; đồng thời xây dựng các showroom giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc và nước ngoài để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bình quân mỗi doanh nghiệp sản xuất đúc nhôm mỹ nghệ của làng nghề đều có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; toàn xã thu hút hơn 650 lao động tham gia sản xuất đúc nhôm mỹ nghệ, thu nhập bình quân khá từ 10-12 triệu đồng/người/tháng. Với việc UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân rộng 10,7ha thuộc xóm 14 và xóm 12, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2025 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nghề nhôm đúc mỹ nghệ trên địa bàn ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin