Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên ban thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương trầm thơm ngát. Ẩn sâu trong hương thơm nồng ấm không chỉ là tấm lòng hiếu kính của con cháu tưởng nhớ ông bà tiên tổ, mà còn có cả những câu chuyện về nghề được gửi gắm, những ước nguyện được gìn giữ phát triển…
Se hương bài tại cơ sở sản xuất của anh Lại Văn Quang. |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề làm hương truyền thống, ngay từ nhỏ, anh Lại Văn Quang, thôn An Trong, xã Phương Định (Trực Ninh) đã được chứng kiến người thân bận rộn làm hương vào dịp giáp Tết. Tình yêu của anh với sản phẩm truyền thống của gia đình cứ thế lớn dần theo năm tháng. Theo anh Quang, điểm đặc biệt khiến hương của gia đình luôn được khách hàng ưa chuộng chính là bởi nguyên liệu làm hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường, hương khi thắp lên có mùi thơm ngọt, dịu nhẹ và an toàn… Gia đình anh Quang sản xuất hương đã nhiều năm, chủ yếu làm các loại hương bài, hương nén, hương vòng. Muốn tạo ra những nén hương bảo đảm độ cháy, thơm, giữ màu không chỉ đòi hỏi nguyên liệu đạt chuẩn mà còn trải qua nhiều công đoạn công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là cách pha chế, pha đủ liều lượng, thành phần theo bí quyết gia truyền của gia đình. Theo anh Quang, để có được nén hương thơm trước hết phải tinh tế từ khâu chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính để làm hương gồm 10-30 loại thuốc Bắc như: đinh hương, cam thảo, tế tân, quế chi, đan bì, địa liền, đại hoàng, mộc hương, xương truật, trầm hương, củ khung và các phụ gia có tác dụng kết dính như nhựa trám, nhựa thau… Mỗi loại nguyên liệu phải bảo quản sạch sẽ, thơm tho để lưu giữ mùi thơm đặc trưng của từng vị.
Anh Lại Văn Quang, thôn An Trong, xã Phương Định (Trực Ninh) giới thiệu sản phẩm hương vòng của gia đình. |
Công đoạn đầu tiên là phải đong chính xác tỷ lệ các loại nguyên liệu, sau đó trộn theo đúng trình tự từng vị rồi cho nghiền nhuyễn thành bột. Sau khi hoàn tất các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bột được “luyện” nhuyễn với nước và phụ gia. Để làm ra sản phẩm hương truyền thống, ngoài tính tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác trong các công đoạn từ phối, chế biến nguyên liệu, nghiền thành bột, người thợ còn khéo léo khi thực hiện các khâu “nhúng”, “vê” để tạo ra sản phẩm đồng đều “trăm que như một”. Không chỉ vất vả trong khi sản xuất, người làm hương cũng bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm môi trường, bụi bẩn từ bột lá và mùn cưa trong công đoạn lăn bột, se hương. Thế nhưng người làm hương vẫn rất nhiệt huyết với nghề, bởi làm hương vừa giúp gia đình tăng thu nhập, nâng cao đời sống, vừa lưu giữ được nghề truyền thống.
Công đoạn phơi hương chiếm nhiều thời gian, nếu trời nắng chỉ cần phơi một buổi là khô, nếu thời tiết âm u thì có thể mất đến 3 ngày hương mới khô. Anh Quang thường chọn những khoảng sân nhiều nắng để phơi và đảo hương khi nắng chuyển hướng để giúp hương khô nhanh hơn, đều màu hơn. Hiện nay, tuy đã có máy móc hỗ trợ trong nhiều công đoạn làm hương nhưng gia đình anh Quang vẫn chọn cách phơi nắng để sản phẩm khô tự nhiên. Đối với gia đình anh Quang cũng như những người thợ làm hương đang chăm chỉ làm và xuất bán quanh năm nhưng vào dịp tết, lượng hàng sản xuất và bán ra vẫn nhiều nhất. Đây cũng là dịp bận rộn, mùa làm ăn của thợ hương. Dịp này, mỗi ngày gia đình anh Quang thường xay từ 6-7 tạ bột để làm hương, số lượng hương sản xuất ra trong dịp cận tết có thể tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường mới đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. “Là gia đình có truyền thống làm hương, đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay. Gia đình tôi là một trong số ít hộ dân trong làng làm nghề sản xuất hương để bán quanh năm. Các tháng trong năm, gia đình tôi sản xuất trung bình khoảng 100 nghìn hương/tháng; nhưng dịp cuối năm sẽ thuê thêm nhân công để sản xuất khoảng 300-400 nghìn hương để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, sản phẩm của gia đình chủ yếu là các loại hương: hương bài, hương vòng, hương que… và đang được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam”, anh Quang cho biết thêm.
Đa dạng các sản phẩm hương truyền thống tại cơ sở sản xuất của anh Lại Văn Quang. |
Để có đầu ra ổn định, gia đình anh Quang đã tìm kiếm thị trường, nắm thị hiếu, yêu cầu của khách hàng để đổi mới sản phẩm. Không chỉ làm hương truyền thống, gia đình anh còn đầu tư mua máy xay bột, máy làm hương giảm bớt công sức mà mang lại hiệu quả cao hơn từ cách làm thủ công truyền thống. Ứng dụng những cách làm mới như làm hương nhúng nhanh gấp 10 lần so với làm hương xe, một ngày có thể làm đến 6.000 cây hương; trực tiếp giải quyết việc làm cho 5 nhân công với mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng. Từ nghề làm hương gia truyền đã giúp gia đình anh Quang có cuộc sống ấm no, con cái trưởng thành.
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Những ngày tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm thiêng liêng của những nén hương trầm đầy dư vị. Mỗi nén hương được làm ra đều mang theo sự tỉ mỉ, khéo léo và sự thành kính của người làm nghề, thơm ngát nơi thờ tự, mang lại sự bình yên, ấm cúng, góp phần giữ gìn nghề truyền thống và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin